Về “văn hoá doanh nghiệp: nền tảng để kiến tạo Hoà Bình”
Sáng ngày 10/1/2019, Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) tổ chức Chương trình diễn giả công chúng đầu năm 2019 với chủ đề: “Văn hoá doanh nghiệp-nền tảng kiến tạo Hoà Bình”. Diễn giả là Kiến trúc sư Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn xây dựng Hòa Bình. Nội dung của chương trình nói về quá trình hình thành văn hóa doanh nghiệp và sự tương tác của yếu tố này đến thành công của Tập đoàn xây dựng Hòa Bình.
Với hơn 30 năm gắn bó với nghề xây dựng cùng lòng yêu nghề và khát khao được phụng sự xã hội, Kiến trúc sư Lê Viết Hải đã khởi nghiệp từ một văn phòng nhỏ với vài nhân viên. Với slogan “Hoà Bình: chinh phục đỉnh cao”, ông luôn định hướng nhân viên đến những điều tốt đẹp; kết hợp tinh hoa văn hoá truyền thống của Việt Nam và các nước trên thế giới cùng sự quyết tâm cao độ và tinh thần cầu tiến, phấn đấu không ngừng nghỉ. Tập đoàn Hòa Bình nay đã trở thành nhà thầu tổng hợp hàng đầu trong nước, và là nhà thầu duy nhất cả nước 6 lần được trao biểu trưng Thương hiệu quốc gia và TOP 10 Sao vàng đất Việt 2018.
Tại chương trình, ông Lê Viết Hải đã có những chia xẻ đầy bổ ích và ý nghĩa với giảng viên và sinh viên TDTU. Ông cho rằng: thành công của Tập đoàn Hoà Bình đến từ việc tạo dựng cho riêng mình một nền tảng văn hoá doanh nghiệp. Văn hoá là linh hồn, là bản sắc riêng, định hình cách ứng xử, tinh thần và thái độ của mỗi cá nhân trong một tập thể. Dựa trên 3 trụ cột chính là Chân – Thiện – Mỹ, kết hợp những tinh hoa văn hoá dân tộc và nhân loại; Hoà Bình đã từng bước hình thành nên Tuyên ngôn giá trị cho riêng mình gồm 7 nội dung cốt lõi được đúc kết qua những năm tháng xây dựng và phát triển; đó là: ứng xử văn minh, hành xử chính trực, thực thi cam kết, tuân thủ kỷ luật, tích hợp tinh hoa, tích cực sáng tạo và chủ động hợp tác.
Kiến trúc sư Lê Viết Hải cho rằng: Văn hoá doanh nghiệp cần được thẩm thấu vào tâm khảm của từng thành viên, trở thành cốt cách và bản chất của doanh nghiệp. Đồng thời, ông Hải cũng nhắn nhủ đến sinh viên TDTU: trong thời đại công nghiệp 4.0, sự kết nối toàn cầu trở nên đa chiều và đầy rẫy cạnh tranh; do đó, sinh viên cần phải có hoài bão lớn ngay từ khi khởi nghiệp; phải đặt mình vào môi trường quốc tế; tự tin đưa thương hiệu ra nước ngoài; sẵn sàng cạnh tranh với các doanh nghiệp trên toàn cầu. Để làm được như thế, ngay từ khi còn trên ghế nhà trường, hãy hình thành cho riêng mình một nền tảng văn hoá cá nhân.
Một số hình ảnh của chương trình: