Chiều ngày 20/10/2017, tại Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU), Kỷ lục gia, Tiến sĩ Phạm S, Phó chủ tịch UBND Tỉnh Lâm Đồng đã nói chuyện với giảng viên, sinh viên TDTU trong Chương trình Diễn giả công chúng định kỳ vào tháng 10/2017.
Với chủ đề “Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và công nghệ thông minh trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” kết hợp bề dày kinh nghiệm nghiên cứu của bản thân, TS. Phạm S đã cung cấp những nội dung thiết thực về vai trò của nghiên cứu ứng dụng trong đời sống xã hội, giới thiệu những kinh nghiệm nghiên cứu ứng dụng có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao, đã được thể chế thành các chính sách phục vụ sản xuất và đời sống như: khái niệm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh cũng như giới thiệu một số công trình khoa học tiêu biểu, đột phá đang được ứng dụng tại Tỉnh Lâm Đồng trong thời gian qua.
Bên cạnh công tác quản lý, với niềm say mê nghiên cứu khoa học và quan điểm: “lấy khó khăn trong thực tiễn làm mục tiêu sáng tạo”, TS. Phạm S từ kinh nghiệm của chính mình; khuyến khích giảng viên, sinh viên TDTU tinh thần “dám nghĩ, dám làm”. Buổi nói chuyện rất thành công khi hàng chục ý kiến trao đổi với diễn giả đã làm sâu thêm những vấn đề mà 2 bên quan tâm. Cuối buổi nói chuyện, TS. Phạm S đã dành thời gian đi thăm TDTU; và nhấn mạnh phải phát triển hơn nữa các chương trình hợp tác nghiên cứu và đào tạo giữa Tỉnh Lâm Đồng và TDTU.
Thông tin về TS. Phạm S
TS. Phạm S là nhà khoa học nghiên cứu theo hướng ứng dụng công nghệ cao; gắn liền với thực tiễn,sẵn sàng chia sẻ với cộng đồng nhiều đề tài khoa học liên quan đến nông nghiệp công nghệ cao vì sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp Việt Nam. Hiện nay, TS. Phạm S là Phó chủ tịch UBND Tỉnh Lâm Đồng và là Kỷ lục gia Việt Nam vì là người có số đề tài ứng dụng thực tiễn được cấp bằng Lao động sáng tạo và Bằng sở hữu trí tuệ nhiều nhất Việt Nam. Ông đã nghiên cứu, tiến hành bảo tồn, phát triển trên 40 giống cây trồng, nguồn gen thực vật quý hiếm trong và ngoài nước. Ông là tác giả của 01 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, 01 giải pháp hữu ích, 02 giống chè cao sản, 01 giống hoa; 07 Bằng lao động sáng tạo; 32 Bằng sở hữu trí tuệ; sở hữu trên 40 quỹ gen cây quý hiếm ở Việt Nam; tác giả 06 cuốn sách, 01 giáo trình đại học; công bố trên 70 công trình khoa học; Giải nhì khoa học công nghệ sáng tạo Việt Nam năm 2007…và chủ nhiệm nhiều đề tài, dự án cấp tỉnh, cấp nhà nước.
Một số hình ảnh của buổi nói chuyện: