Vậy là đã được 19 tháng kể từ lúc Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có quyết định cho Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) thuê thêm mảnh đất phía sau Trường để phát triển mở rộng. Mải mê công việc với quỹ thời gian ít ỏi, nhiều người trong chúng ta hầu như không nhận ra rằng mới đó mà đã 19 tháng; và càng ít người nhận ra rằng đã xuất hiện 1 chiếc cầu nối TDTU của những năm qua với khu đất mới này.
Có người còn thảng thốt hỏi: “cầu xây dựng hồi nào vậy Trời ?!”. Có thể người nói chỉ quanh quẩn trong Khu 1 (thuật ngữ tắt mà Ban quản lý dự án gọi dựa trên sự ngăn cách tự nhiên Cơ sở Tân Phong bởi 3 dòng kênh: Khu trước Rạch Ông Bảy là Khu 1 với các khối nhà A, B, C, D, E, F, G; khu giữa Rạch Ông Bảy và Rạch Tư Dinh là Khu 2 với Nhà thi đấu, sân bóng, Ký túc xá, Hồ bơi…; và khu giữa Rạch Tư Dinh với Sông Ông Lớn là Khu 3: khu đất mới mở rộng). Nhiều người trong chúng ta đã và đang hằng ngày chỉ ở Khu 1; có một số thi thoảng sang Khu 2; số còn lại hầu như chỉ đến Khu 1 làm việc rồi về. Vì thế, với họ, Khu 3 hình dạng như thế nào chưa thể hiểu được! và Cầu D10 nối giữa Khu 2 và Khu 3 như từ trên Trời rơi xuống; một bất ngờ!.
Thực ra chỉ là một ít vô tình!. Nhà trường đã khởi công trên khu đất mới ít nhất 4 hạng mục trong thời gian 19 tháng qua: xây dựng Cầu D10; xây dựng Bờ kè dọc Rạch Tư Dinh; khởi công VFIS để kịp đón học sinh vào tháng 8/2019; và xây dựng Vườn thực nghiệm nông nghiệp thông minh. Nhà nước thì cũng đã làm Đường D1 nối Đại lộ Nguyễn Văn Linh, đi đọc RMIT, TDTU, Đại học cảnh sát và Sông Ông Lớn để tiến vào Đường Trần Hưng Đạo của Quận 1. Và Cầu D10 đã được khởi công ngày 30/10/2017; thi công đến nay đã hơn 2 tháng rưỡi.
Thôi thì nhiều người trong chúng ta quay cuồng với đủ thứ lo toan: công việc, gia đình, sức khỏe, người thân…nên hằng ngày đôi khi tự cho mình cái lý do “chẳng còn đầu óc đâu mà để ý đến những chuyện không thiết thân!”. Ít ra từng người đều đã có lúc suy nghĩ như thế. Nhưng làm việc trong ngôi trường có tiếng là đẹp nhất nước; mà trong hơn 1.320 con người, có nhiều người vẫn chưa biết đến Khu 2, Khu 3 chứ đừng nói đến chuyện “còn chưa đặt chân một vòng hết 30ha của Trường dù nó chẳng lớn gì cho cam!” thì nghĩ cũng có phần vô tâm thật!
Với một vài người, cái buổi sáng đầu tiên (18/1/18) đặt chân lên cầu và đi bộ từ Đường 11 sang Khu 3 băng qua chiếc cầu mới đã mang lại một cảm giác khó tả. Vậy là cái ước nguyện phải có đủ mặt bằng tối thiểu để có thể xây dựng được một campus đúng nghĩa là campus đại học suốt 7 năm qua đã thành sự thật! Nhìn từ Khu 2 sang Khu 3, người lo toan thấy cả một tương lai lớn phía trước của TDTU. Mà không lớn sao được ?! Chỉ trong 10 năm, với 11ha, chúng ta đã xây nên được một ngôi trường rất đỗi đáng tự hào; vậy với 17ha mới nhận này (và kể cả vùng mặt nước được giao quản lý) trong 10 năm kế tiếp chúng ta có thể làm gì được hơn nữa cho đất nước? quả là một câu hỏi buộc người ta phải suy nghĩ xa hơn, suy nghĩ dài hơn chứ không phải chỉ quanh quẩn với Khu 1, với cơm-áo; gạo-tiền hay người thân!
Cầu D10 ngày nay dù chưa hoàn thiện; đã mở ra con đường phát triển tiếp nối cho TDTU. Qua cây cầu này, ngày 25/1/18 tới đây chúng ta khởi công xây dựng 2 Ký túc xá nữa cho sinh viên trong và ngoài nước; để các em bớt áp lực nhà ở. Trong 4 năm qua, không lúc nào Nhà trường không đau khổ khi nhìn người học đăng ký vào nội trú đầu mỗi năm học nhưng lại không đủ chỗ để giải quyết. Nhưng vì chưa có hi vọng được thêm đất để xây các công trình quan trọng hơn, mảnh đất dự phòng vẫn chưa dám dùng để xây thêm Ký túc xá cho đến tháng 06/2016. Qua cây cầu này, sinh viên rồi sẽ bắt đầu học tại Khu 3 kể từ năm nay trở đi. Và cũng qua cây cầu này, viên chức và thày-cô nội trú sẽ đi từ Khu 3 sang Khu 1 làm việc. Có thể tương lai gần, khi bến Bus trên sông của TDTU nối Bạch Đằng (Quận 1) đến Đường D1 hình thành, sinh viên sẽ đi-lại bằng ca nô trên Sông Ông Lớn để ra-vào Quận 1. Đó là chưa nói đến những dự án phát triển khoa học và công nghệ sẽ liên tục triển khai trong các năm 2019, 2020, 2021 trên Khu 3 này.
Vì thế, là thành viên TDTU, nên đến Cầu D10, nhìn về hướng Sông Ông Lớn để cảm nhận tương lai của chúng ta, của nền giáo dục nước nhà. Đó cũng và việc “thiết thân”.