Phần Lan: Giáo dục và Sáng tạo

Sáng ngày 09/03/2016, bà Lenita Toivakka, Bộ trưởng Bộ ngoại thương và phát triển Cộng hòa Phần Lan, và ông Pekka Soini, Tổng giám đốc Quỹ kỹ thuật và sáng tạo của Phần Lan (TEKES) đã có buổi nói chuyện với sinh viên và giảng viên Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU).

Chủ đề buổi nói chuyện trong Chương trình diễn giả công chúng của TDTU là “Câu chuyện thành công của Phần Lan: Giáo dục và Sáng tạo”. Bà Bộ trưởng đánh giá cao mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Phần Lan trong những năm qua ở tất cả lĩnh vực, đặc biệt trong giáo dục. Bà cho biết, hiện Việt Nam có số lượng sinh viên theo học lớn thứ ba trong tổng số sinh viên quốc tế tại Phần Lan.

Trong buổi nói chuyện này, bà Bộ trưởng còn chia xẻ những kinh nghiệm của đất nước Phần Lan trong quá trình phát triển giáo dục. Tuy Phần Lan là một nước nhỏ với 5.5 triệu dân, nhưng đã trở thành một nước có nền giáo dục uy tín trên thế giới. Hơn 30 năm trở lại đây, Phần Lan từ chỗ chỉ chủ yếu phát triển nông nghiệp (khai thác gỗ, giấy,…) trở thành quốc gia có nền công nghiệp phát triển cao (công nghệ viễn thông, công nghệ đóng tàu,…) gắn liền với những tên tuổi như Nokia, Aker Yards Oy,….;. Bên cạnh đó, với chính sách “Giáo dục cho mọi người”, Phần Lan đã tạo điều kiện để mọi học sinh đều được đến trường và theo học các cấp từ mầm non, tiểu học đến đại học, thạc sĩ, tiến sĩ với việc miễn hoàn toàn học phí, cũng như hỗ trợ hoàn toàn tiền ăn, sách giáo khoa, phương tiện đến trường. Ngoài ra, Phần Lan còn phát triển các quỹ khuyến học, và các quỹ khác nhằm hỗ trợ người dân tiếp tục theo đuổi việc học của họ. Vai trò của người thày được xã hội Phần Lan đánh giá cao và tôn trọng. Bà Bộ trưởng nhấn mạnh rằng, sự phát triển của giáo dục sẽ góp phần tạo ra những người công dân có kỹ năng và tay nghề cao, và những công dân này, đến lượt họ, sẽ tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của xã hội.

Sau bài diễn thuyết của bà Lenita Toivakka, ông Pekka Soini đã trình bày chủ đề "Hoạt động sáng tạo và hợp tác giữa các trường đại học với doanh nghiệp". Ông Pekka Soini cho biết, thị trường trong nước là quá nhỏ để các doanh nghiệp phát triển, nên cần phải mở rộng ra thị trường quốc tế. Để có thể ra thị trường quốc tế và cạnh tranh toàn cầu, nghiên cứu và phát triển (R&D) là yếu tố quyết định. Phần Lan đầu tư rất mạnh cho R&D và họ đã đầu tư hơn 3% tổng thu nhập quốc dân (GDP) vào R&D. R&D đã thúc đẩy các doanh nghiệp Phần Lan tái cơ cấu và tạo ra nhiều lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

TEKES là đơn vị công lập và là chủ thể tài trợ chính để thúc đẩy R&D. TEKES hỗ trợ các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, và là cầu nối giữa nhà trường, viện nghiên cứu và doanh nghiệp. Chính phủ Phần Lan trú trọng việc sử dụng có hiệu quả các kết quả nghiên cứu. Các nghiên cứu được tài trợ thường phải tập trung tạo ra các giải pháp và tri thức dựa trên nhu cầu của phía doanh nghiệp. TEKES còn giúp các trường đại học, viện nghiên cứu thương mại hóa các sản phẩm, các công trình nghiên cứu và bằng sáng chế của họ.

 

Phan-Lan-Dien-gia-2.jpg
Ông Pekka Soini, Tổng giám đốc Quỹ phát triển kỹ thuật và sáng tạo của Phần Lan nói về "Hoạt động sáng tạo và hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp"