Tọa đàm về mô hình chứng chỉ vi mô trong giáo dục hướng đến tương lai

Sáng ngày 01/11/2022, Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) kết hợp với Cơ quan Giáo dục New Zealand (ENZ) tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề: “Mô hình chứng chỉ vi mô trong giáo dục hướng đến tương lai” (Micro-credentials in Future-focused Education). Buổi tọa đàm thu hút nhiều giảng viên và sinh viên TDTU đến tham dự để tìm hiểu về mô hình giáo dục mới đang dần trở thành trào lưu trong quá trình học tập suốt đời.

Đến tham gia buổi tọa đàm có ông Joseph Nelson - Tổng lãnh sự New Zealand tại TP. Hồ Chí Minh; bà Lisa Futschek - Tổng giám đốc Khối quốc tế, ông Ben Burrowes - Giám đốc Khu vực Châu Á thuộc cơ quan Giáo dục New Zealand; ông Truman Pham - Giám đốc Chương trình Sau đại học, Học viện The Mind Lab.

Phía TDTU có TS. Trần Trọng Đạo - Quyền Hiệu trưởng; TS. Đinh Hoàng Bách - Quyền Viện trưởng Viện hợp tác, Nghiên cứu và Đào tạo quốc tế cùng lãnh đạo một số đơn vị chức năng và khoa chuyên môn của TDTU.

Phát biểu trong buổi tọa đàm, TS. Trần Trọng Đạo đã cảm ơn ENZ và phái đoàn ngoại giao Tổng lãnh sự quán New Zealand đã có các chương trình hợp tác hiệu quả, mở ra nhiều cơ hội mới cho sinh viên TDTU được hòa nhập vào môi trường quốc tế hiện đại như New Zealand. TS. Trần Trọng Đạo cũng gửi lời chào mừng các diễn giả tham gia vào buổi tọa đàm để chia sẻ thêm kiến thức và hướng tiếp cận chứng chỉ vi mô cho giảng viên và sinh viên Nhà trường.

Ông Joseph Nelson bày tỏ sự tự hào khi Tổng lãnh sự quán New Zealand là cầu nối giúp ENZ và TDTU triển khai hiệu quả các chương trình hợp tác trong giáo dục và các lĩnh vực khác. Ông cũng đã chia sẻ về tầm quan trọng của việc học tập suốt đời và hi vọng buổi tọa đàm sẽ giúp sinh viên TDTU nhận thức sâu hơn và cùng tham gia thực hiện.

Nhân sự kiện này, ENZ và TDTU cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm tạo sự gắn kết giữa hai bên, đồng thời xúc tiến và đẩy mạnh các dự án hợp tác sắp tới giữa các tổ chức giáo dục New Zealand với TDTU.

Trong buổi tọa đàm, các diễn giả đã cùng chia sẻ về tầm quan trọng của việc học tập suốt đời, xu hướng yêu cầu của doanh nghiệp hiện nay và tương lai đối với nguồn lao động; đồng thời giải đáp các thắc mắc của giảng viên, sinh viên về hướng tiếp cận và kiểm định chứng chỉ vi mô, vai trò của chứng chỉ này trong đào tạo chuyên môn và giáo dục nghề nghiệp; phương pháp ứng dụng nền tảng số và công nghệ để hỗ trợ các chương trình sau đại học, chương trình cấp chứng chỉ vi mô và nâng cao kỹ năng.

Giáo dục hướng đến học tập suốt đời là một trong những định hướng tương lai của giáo dục đại học. Hiện tại, ngoài việc học tập chính quy từ nhà trường, người học có thể được trang bị thêm nhiều kiến thức và kỹ năng khác nhau từ các khóa đào tạo ngắn hạn nhằm đáp ứng xu hướng giáo dục hiện đại trên thế giới. Các khóa học này cập nhật nhanh các kiến thức về các lĩnh vực mới trong chương trình học theo 3 tiêu chí: ngắn gọn, tập trung và dễ hiểu. Nhờ ưu thế chỉ tập trung vào một số kỹ năng và nền tảng chuyên môn, chứng chỉ vi mô giúp học viên dễ dàng ứng dụng kiến thức đã học ngay vào công việc hoặc tạo tiền đề để tiếp tục theo đuổi các bậc học cao hơn trong tương lai.

tdtu

tdtu
TS. Trần Trọng Đạo tiếp phái đoàn ngoại giao Tổng lãnh sự quán New Zealand.
tdtu
Ông Joseph Nelson phát biểu chào mừng.
tdtu
ENZ và TDTU ký kết thỏa thuận hợp tác trước sự chứng kiến của phái đoàn ngoại giao Tổng lãnh sự New Zealand.
tdtu
Diễn giả trình bày qua màn hình trực tuyến ...
tdtu
... và trực tiếp tại tọa đàm.
tdtu

tdtu
Người tham dự trao đổi với diễn giả.
tdtu
Ban tổ chức tặng hoa cho diễn giả tham dự chương chương trình.