Ngày 27/11/2020, hội thảo chuyên đề về “Chuyển đổi số trong doanh nghiệp sản xuất” đã diễn ra trong khuôn khổ Ngày hội Tự động hóa 2020 với chủ đề “Chuyển đổi số trong doanh nghiệp sản xuất” do Hội Tự động hóa TP. Hồ Chí Minh (TP. HCM) phối hợp với Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) tổ chức.
Hội thảo với sự tham gia và báo cáo của các diễn giả: TS. Trần Du Lịch - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Hội đồng Khoa học TP. HCM; TS. Lê Quốc Cường - Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. HCM; PGS. TS. Lê Hoài Quốc – Chủ tịch Hội Tự động hóa TP. HCM.
Các diễn giả đã chia sẻ với khách mời và giảng viên, sinh viên TDTU về tầm quan trọng, tính tương quan, những cơ hội và thách thức của chương trình chuyển đổi số. Những thông tin này đã giúp sinh viên TDTU nhận định rõ hơn về phương thức vận hành doanh nghiệp hiệu quả và định hình xu hướng nghề nghiệp tương lai.
Tại hội thảo, TS. Lê Quốc Cường đã chỉ ra 3 trụ cột chính trong chương trình Chuyển đổi số quốc gia là chính phủ số (nhằm thay đổi nhận thức), kinh tế số (lấy người dân làm trung tâm), xã hội số (lấy thể chế và công nghệ làm động lực). Những trụ cột này có tác động tích cực đến sự phát triển doanh nghiệp và chất lượng cuộc sống của người dân.
TS. Lê Hoài Quốc cho rằng: ngoài rất nhiều cơ hội lớn mà doanh nghiệp nhận được từ chuyển đổi số như: tiếp cận được với nhiều tập khách hàng hơn, có sự hỗ trợ từ chính phủ, … thì cũng không tránh khỏi những thách thức trong việc thay đổi nhận thức từ phía người tiêu dùng, kinh nghiệm và kiến thức vận hành, ... Do đó, sinh viên cần phải có cái nhìn khách quan và khái quái về chương trình Chuyển đổi số để áp dụng vào khởi nghiệp hay tham gia vào bất cứ doanh nghiệp nào.
Việc sẵn sàng tiếp nhận những thay đổi để đưa doanh nghiệp trong nước chạm tới ngưỡng toàn cầu hóa là yêu cầu cơ bản để thành công. Để làm được điều đó, sinh viên cần tích cực tham gia những hoạt động nghiên cứu về Tự động hoá, dành sự quan tâm đặc biệt tới những sản phẩm công nghệ số mới.