Sự tăng trưởng liên tục về kinh tế tại các vùng đô thị lớn của Việt Nam kéo theo nhiều hệ lụy về môi trường; nhất là ô nhiễm chất thải rắn. Với đặc tính khó phân hủy và khả năng tồn tại lâu dài trong môi trường tự nhiên, rác thải nhựa (chai, ly, túi ni lông, hộp đựng thức ăn, …) cùng với các chất thải rắn khác đã và đang trở thành một thách thức lớn đối với công đồng và xã hội do sự hủy hoại môi trường của nó trực tiếp đe dọa khả năng phát triển bền vững.
Theo thống kê của Trung tâm tư vấn về phát triển bền vững, lượng rác thải nhựa chiếm khoảng 16% trong tổng 1,2 kg chất thải sinh hoạt hằng ngày của mỗi người [Quach Thi Xuan, 4/2018]. Trên thực tế, hoạt động giảm thiểu – tái sử dụng – tái chế (Reduce, Reuse and Recycle) rác thải nhựa vẫn chỉ tồn tại trên cơ sở lý thuyết hoặc mô hình; mà chưa được thực tiễn hóa bằng hành động bảo vệ môi trường cụ thể và có tính bền vững tại các khu đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM). Khó khăn của việc xã hội hóa hoạt động này xuất phát từ ý thức kém, thiếu tự giác của số đông người dân, đặc biệt là giới trẻ trong trách nhiệm bảo vệ môi trường chung của Thành phố.
Tại Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU), việc đề xuất và thực hiện những sáng kiến hữu ích cho bảo vệ môi trường và phát triển xã hội bền vững, thể hiện tinh thần phụng sự, vì cộng đồng, là trách nhiệm của giảng viên và sinh viên. Để nâng cao nhận thức và khuyến khích phong trào nghiên cứu khoa học sinh viên, giảng viên Khoa môi trường và bảo hộ lao động (MT-BHLĐ) đã bước đầu triển khai hoạt động nghiên cứu tái chế rác thải nhựa, xây dựng mô hình vận hành hoạt động tái chế theo hướng bền vững có thể áp dụng tại TPHCM. Giai đoạn đầu tiên liên quan đến việc hình thành và phát triển ý thức giảm thiểu tải lượng chất thải rắn. Tiếp theo là giai đoạn vận hành thói quen và tự giác trong hoạt động phân loại rác thải nhựa tại nguồn với sự tham gia của toàn thể sinh viên, và cuối cùng là quá trình nghiên cứu, lựa chọn giải pháp hiệu quả và bền vững cho tái chế rác thải nhựa thành các sản phẩm hữu ích.
Giải pháp cụ thể được Khoa MT-BHLĐ triển khai trong nghiên cứu khoa học sinh viên, năm học 2018-2019. Các ý tưởng cho việc thực hiện chi tiết được định hướng như sau:
- Bước 1: “Waste-to-Worth Attention booths”: tổ chức hoạt động trao đổi vật dụng, bao bì, chai lọ bằng nhựa tại nơi cung cấp để được giảm giá khi mua hàng, nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và giảm thiểu chất thải trong cộng đồng.
- Bước 2: “Awareness campaigns and workshop”: tổ chức rộng rãi chiến dịch nâng cao nhận thức về thu hồi và tái sử dụng rác thải nhựa.
- Bước 3: “Long-term projects”: thực hiện các dự án nhằm xã hội hóa hoạt động tái chế chất thải nhựa bằng công nghệ thu hồi chất thải nhựa để sản xuất năng lượng, ứng dụng enzym để đẩy nhanh quá trình phân hủy sinh học của chất thải nhựa.
Việc triển khai và thực hiện các ý tưởng trên tại TPHCM đã và đang góp phần xây dựng Thành phố xanh và đại học xanh cho TDTU; trực tiếp chung tay bảo vệ môi trường và củng cố khả năng phát triển bền vững trong tương lai.