Tiến sĩ Nguyễn Trung Thắng - Trường Đại học Tôn Đức Thắng vừa có tên trong Danh sách 47 nhà khoa học Việt Nam thuộc TOP 100.000 nhà khoa học - TOP 1% nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất thế giới (theo Báo VN Express).
Bảng xếp hạng sử dụng nguồn cơ sở dữ liệu của Scopus (thuộc Nhà xuất bản Elsevier, Hà Lan) từ năm 1960 đến tháng 10/2023. Bảng xếp hạng do nhóm nhà khoa học của GS John P.A. Ioannidis cùng các cộng sự thuộc Đại học Stanford (Mỹ) lựa chọn trên cơ sở dữ liệu Scopus và được Nhà xuất bản Elsevier công bố [1]. Các tiêu chí đánh giá dựa theo các chỉ số ảnh hưởng trong giới khoa học (tổng số trích dẫn, chỉ số Hirsch h-index; chỉ số Schreiber hm-index được điều chỉnh đồng tác giả, số trích dẫn các bài báo được đăng với tư cách tác giả duy nhất, tác giả chính và tác giả cuối cùng, và một chỉ số tổng hợp).
Trong danh sách này, TS. Nguyễn Trung Thắng hiện là Trưởng nhóm nghiên cứu Các thuật toán Tối Ưu Hoá Hệ Thống Điện, thuộc Khoa Điện-Điện Tử, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã lọt vào Top 20 nhà khoa học của Việt Nam trong năm 2023. Về xếp hạng thế giới, TS. Nguyễn Trung Thắng thuộc TOP 42.210, tăng khoảng 20.000 hạng so với năm 2022.
TS Thắng là một trong những giảng viên có năng lực công bố xuất sắc và bền bỉ của Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Cơ sở dữ liệu Web of Science (Mỹ) ghi nhận TS Thắng có 85 công bố, chỉ số H-index = 21 và có gần 1400 trích dẫn (citations). TS. Nguyễn Trung Thắng hiện là một trong số các giảng viên/nghiên cứu viên cơ hữu của Trường có chỉ số H-Index trên 20 (chỉ số h-index của TS. Thắng là 21 theo Web of Science). Theo cơ sở dữ liệu Scopus, TS. Nguyễn Trung Thắng có 112 công trình với tổng số trích dẫn là 1852 và chỉ số H-index 24.
TS. Nguyễn Trung Thắng là nhà khoa học có quá trình học tập hoàn toàn ở Việt Nam và làm việc tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng từ năm 2009.
TS. Nguyễn Trung Thắng đã cùng với các thành viên trong nhóm nghiên cứu Tối Ưu Hoá Hệ Thống Điện thuộc Khoa Điện-Điện Tử, Trường Đại học Tôn Đức Thắng và các cộng sự ở các Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Đại học Bách Khoa TPHCM, Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, .v.v. có các công trình uy tín được đăng trên các tạp chí có chỉ số Impact factor cao, thuộc các nhà xuất bản nổi tiếng như Elsevier, Springer. Các nghiên cứu của nhóm bao gồm: sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng hóa thạch, phát huy tối đa năng lượng tái tạo, giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính, áp dụng năng lượng tái tạo trên lưới truyền tải và lưới phân phối, Áp dụng hệ thống lưu trữ điện năng cho nhà máy điện năng lượng tái tạo, kết hợp nhà máy thuỷ điện tích năng và nhà máy năng lượng tái tạo. Các hướng nghiên cứu đều đi vào xu thế tối ưu nguồn năng lượng để phát triển kinh tế trong bối cảnh nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt và biến đổi khí hậu đang diễn ra.
Nói về thứ hạng đạt được của mình, TS. Nguyễn Trung Thắng chia sẻ: “Môi trường làm việc và chính sách của cơ quan làm việc là vô cùng quan trọng để các nhà khoa học phát triển các công trình có chất lượng cao. Bên cạnh đó, cộng sự cũng là yếu tố quyết định. Một nhà khoa học có năng lực mà thiếu những cộng sự chân thành thì cũng không thể tỏa sáng. Tôi rất cảm ơn Ban Giám hiệu Trường Đại học Tôn Đức Thắng, các cộng sự nghiên cứu và đồng nghiệp đã tạo điều kiện tốt nhất để tôi phát triển bản thân”.
Bên cạnh TS. Nguyễn Trung Thắng nêu trên, theo báo Vnexpress (https://vnexpress.net/nhung-guong-mat-viet-lot-top-anh-huong-nhat-the-gioi-5-nam-lien-4661538.html), Trường Đại học Tôn Đức Thắng còn có đại diện trong danh sách 08 nhà khoa học Việt Nam 5 năm liền duy trì vị trí Top 100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Đó là TS. Thái Hoàng Chiến, là thành viên của nhóm nghiên cứu Cơ học tính toán (DCM), một trong những nhóm nghiên cứu đầu tiên tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng. TS Chiến công bố gần 100 công trình nghiên cứu, trong đó có nhiều công trình trên các tạp chí Web of Science, và có hơn 5100 trích dẫn.
[1] Ioannidis, John P.A. (2023), “October 2023 data-update for "Updated science-wide author databases of standardized citation indicators"”, Elsevier Data Repository, V6, doi: 10.17632/btchxktzyw.6.