Đảng ủy Trường Đại học Tôn Đức Thắng tổ chức điểm cầu trực tuyến tham dự Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị
Ngày 18 tháng 5 năm 2025, tại cơ sở chính, Tân Phong, Quận 7, TP. Hồ Chí Minh, Đảng ủy Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) đã tổ chức điểm cầu trực tuyến tham dự Hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Tại điểm cầu TDTU, tham dự có các đồng chí là Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Trường; Bí thư/Chi ủy, đảng viên các chi bộ trực thuộc; Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn Trường, Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Trường, Lãnh đạo các đơn vị thuộc/trực thuộc Trường dưới sự chủ trì của đồng chí Vũ Anh Đức, Bí Thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối từ điểm cầu chính tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội tới các điểm cầu bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị…
Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trình bày Chuyên đề 1: "Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW".
Tiếp đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày Chuyên đề 2: "Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW".
Sau khi nghe báo cáo hai chuyên đề, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có phát biểu quan trọng chỉ đạo Hội nghị.
Kết thúc Hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Nguyễn Trọng Nghĩa có phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư và hướng dẫn việc quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW, Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Nghị quyết số 66-NQ/TW xác định tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam có hệ thống pháp luật chất lượng cao, hiện đại, tiệm cận chuẩn mực, thông lệ quốc tế tiên tiến và phù hợp với thực tiễn đất nước, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội; quản trị quốc gia hiện đại với bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nghị quyết số 68 xác định tầm nhìn đến năm 2045, kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế; phấn đấu đến năm 2045 có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế; đóng góp khoảng trên 60% GDP.