tdtu

 

Bí quyết nào giúp Đại học Tôn Đức Thắng có nhiều bài báo khoa học ISI?

LTS: Năm 2019, đa số các khoa của Trường Đại học Tôn Đức Thắng công bố từ 40 đến 70 bài ISI/khoa/năm. 

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Phó giáo sư Phạm Thị Minh Lý, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh (Trường Đại học Tôn Đức Thắng) để lắng nghe chia sẻ của cô về con đường đi đến thành công của nhà trường.

Tiêu đề bài báo do tòa soạn đặt. 

Phóng viên: Nhìn vào bảng thống kê các bài báo khoa học của Khoa Quản trị kinh doanh năm 2018 đã công bố bằng 4,5 lần số công bố của một đại học lâu đời và có uy tín; hơn số công bố của một đại học kinh tế lớn trong cùng kỳ khiến ai cũng thán phục. Theo Phó giáo sư, đâu là nguyên nhân dẫn đến thành công lớn như vậy?

Phó giáo sư Phạm Thị Minh Lý: Sự thành công này được chúng tôi đã được chuẩn bị từ 10 năm nay, đây là thành quả chung từ chủ trương chuẩn hóa nghiên cứu với sản phẩm đầu ra phải được đăng tải trên các tạp chí thuộc danh mục ISI/SCOPUS của Đại học Tôn Đức Thắng và nỗ lực của tập thể giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh.

Làm thế nào mà Đại học Tôn Đức Thắng có thể khai thác được những người trẻ tuổi, có tài để đóng góp vào việc tăng đột biến về số lượng bài báo được công bố quốc tế như vậy, thưa phó giáo sư?

Phó giáo sư Phạm Thị Minh Lý: Phần lớn các giảng viên của chúng tôi đến từ việc tuyển chọn ứng viên cử nhân, thạc sĩ rồi gửi đi đào tạo hàng loạt ở nước ngoài từ 10 năm trước; và các giảng viên tốt nghiệp từ các nước như Mỹ, Anh, Thụy Sỹ, Úc, Đài Loan (Trung Quốc). Nên họ hầu như đáp ứng được yêu cầu của Đại học Tôn Đức Thắng.

pham-minh-ly.jpg
Theo Phó giáo sư Phạm Thị Minh Lý, phần lớn các giảng viên của Đại học Tôn Đức Thắng đến từ việc tuyển chọn ứng viên cử nhân, thạc sĩ rồi gửi đi đào tạo hàng loạt ở nước ngoài từ 10 năm trước. (Ảnh cô Lý cung cấp)

Họ chỉ cần có môi trường và văn hóa xuất bản (publish) do Nhà trường tạo ra; đặc biệt là các quy định quản lý nghiên cứu khoa học hợp lý, chặt chẽ và minh bạch, đạt chuẩn mực quốc tế.

Ví dụ như ngay trong lần đầu tiên tổ chức Hội thảo quốc tế ICFE 2015 (international conference finance and economics), Kỷ yếu của chúng tôi đã được Web of Science đưa vào danh mục xuất bản. Chúng tôi làm đúng hướng ngay từ đầu.

Có nhiều ý kiến cho rằng, lĩnh vực kinh tế xã hội rất khó để có các bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế hơn lĩnh vực tự nhiên, Phó giáo sư có đồng ý với điều này không?

Phó giáo sư Phạm Thị Minh Lý: Hiện trạng này có thể chia thành hai nhóm: nhóm quốc gia mà tiếng Anh là bản ngữ và những nước còn lại. 

Nếu các quốc gia châu Á (trừ Singapore) thì tỷ lệ xuất bản giữa khoa học xã hội, nhân văn/ khoa học tự nhiên có thể lên đến 1/8. Con số này đã cho thấy việc này khó khăn gấp bội.

Do vậy, giảng viên thuộc các ngành khoa học xã hội, nhân văn, kinh tế, kinh doanh rất cần phải giỏi tiếng Anh; và tốt nghiệp từ các quốc gia tiên tiến để có thói quen nghiên cứu theo chuẩn quốc tế thì mới có thể nghiên cứu và công bố trên các tạp chí quốc tế bằng tiếng Anh.

Đại học Tôn Đức Thắng đã thấy điều này từ hơn 10 năm trước và đã đầu tư cho nó rất công phu.

Thưa Phó giáo sư, việc có nhiều bài báo quốc tế như vậy nó phản ánh điều gì? Thành tựu đó nó có mang lại giá trị cho những sinh viên đang theo học ở khoa không?

Phó giáo sư Phạm Thị Minh Lý: Việc này vô cùng quan trọng đối với chất lượng đào tạo lẫn nhu cầu hội nhập trong bối cảnh quốc tế hóa. 

Giảng viên không chỉ đào tạo cho sinh viên kiến thức, kỹ năng mới được liên tục cập nhật; mà còn sáng tạo ra tri thức cho nhân loại. Quá trình sáng tạo ra tri thức mới thông qua các nghiên cứu được quốc tế thừa nhận là quá trình gián tiếp làm giàu cho chất lượng bài giảng, chất lượng dạy học mà người học, sinh viên là đối tượng thụ hưởng đầu tiên và trực tiếp nhất.

Tại khoa Quản trị kinh doanh - Đại học Tôn Đức Thắng, chúng tôi yêu cầu bắt buộc sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh đọc các nghiên cứu thuộc danh mục ISI/SCOPUS để tham khảo cho bài luận của họ. 

Ngoài ra một số sinh viên xuất sắc còn chuyển tải kết quả nghiên cứu hoặc những điều họ học được từ các công bố quốc tế đến thực tế kinh doanh của doanh nghiệp thông qua tập sự hoặc hợp tác ứng dụng. 

Đặc biệt, có nhiều sinh viên đã tham gia xuất bản nghiên cứu trên các tạp chí thuộc danh mục ISI/SCOPUS theo gương thày của họ. Tác động đơn, tác động kép của nghiên cứu và công bố trên ISI/SCOPUS đến chất lượng giáo dục là rất rõ. 

Không phải ngẫu nhiên mà đa số các bảng xếp hạng đại học danh giá đều xem kết quả nghiên cứu và công bố trên các tạp chí SCI và SCIE là trọng số hàng đầu bởi nó ảnh hưởng mật thiết đến chất lượng giáo dục.

Ngoài ra, chỉ có công bố quốc tế thì mới tham gia vào quá trình phân công lao động trong giáo dục đại học ở qui mô toàn cầu; có tiếng nói chung với các đại học đàn anh của nước ngoài; và hội nhập với họ rất dễ dàng; cả khoa học lẫn giáo dục.

Nếu có điều gì muốn chia sẻ nhất với các trường đại học đang đào tạo cùng lĩnh vực và muốn có những bước tiến trong các bảng xếp hạng các trường đại học trên thế giới thì Phó giáo sư sẽ chia sẻ điều gì? Vì sao?

Phó giáo sư Phạm Thị Minh Lý: Mỗi trường đại học có sứ mệnh của riêng họ. Tôi chỉ mong muốn sinh viên được học những tài liệu đạt chuẩn mực thế giới như các sinh viên tại Harvard, MIT...

Điều may mắn là tại Việt Nam chúng ta hoàn toàn làm được điều này nhờ internet, nhờ liên kết liên thư viện toàn cầu như tại Đại học Tôn Đức Thắng. 

Tuy nhiên, điều này phụ thuộc rất nhiều vào văn hóa học thuật đạt chuẩn mực thế giới đến mức độ nào do các trường tạo ra để có thể chia sẻ các tài liệu và phương pháp tiên tiến nói trên.

Nhưng điều khá chắc chắn là mọi đại học đều có thể tạo lợi ích tốt nhất cho người học thông quan nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu chuyển giao. Thiếu nghiên cứu, không thể nào đào tạo tốt hoặc cập nhật kịp với tri thức thế giới.

Do vậy, muốn lo cho người học, muốn đại học có uy tín, được tín nhiệm...không thể không phát triển nghiên cứu bất kể là đào tạo cùng hay khác lĩnh vực với Khoa Quản trị kinh doanh - Đại học Tôn Đức Thắng. Một khi làm được điều này, trước sau gì đại học đấy cũng sẽ có những bước tiến quan trọng trong các bảng xếp hạng danh giá. 

Trân trọng cảm ơn Phó giáo sư Phạm Thị Minh Lý. 

Thùy Linh

Nguồn: Báo Giáo Dục