Theo chương trình chính thức của Hội thảo về quản trị tài chính Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương 2019, có 130 báo cáo của các học giả được trình bày tại Hội thảo.
Một trong các diễn giả chính của Hội thảo TS. Gordon Phillips, một chuyên gia đầu ngành của thế giới trong lĩnh vực quản trị tài chính. Ông có báo cáo đề dẫn tại Phiên khai mạc.
TS. Gordon Phillips hiện là Giám đốc Trung tâm đầu tư mạo hiểm và đầu tư tư nhân thuộc Trường quản trị kinh doanh Laurence F. Whittemore, Đại học Dartmouth, Hoa Kỳ. Ông đồng thời là nghiên cứu viên tại Cục nghiên cứu kinh tế quốc gia Hoa Kỳ (The National Bureau of Economic Research: NBER) và là Giáo sư nghiên cứu của Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc). Ông tốt nghiệp Thạc sĩ và Tiến sĩ tại Đại học Harvard. Nhiều công trình khoa học lớn của ông được công bố trên các tạp chí hàng đầu về tài chính như: The Journal of Finance, the Review of Financial Studies, the Journal of Corporate Finance, và the Journal of Political Economy. Nghiên cứu của TS. Gordon Phillips chủ yếu tập trung vào lĩnh vực phát hành vốn cổ phần, cơ cấu vốn, phá sản, cách thức thúc đẩy mua bán sáp nhập cũng như ảnh hưởng của đòn cân nợ đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp.
Ngoài ra, nhiều học giả tên tuổi khác trong chuyên ngành cũng sẽ đến tham dự Hội thảo với vai trò chủ toạ các phiên thảo luận như:
- GS. Manju Puri, Đại học Duke, Hoa Kỳ; Thành viên Ủy ban Giải Nobel kinh tế; Giám đốc và Cố vấn cao cấp của Trung tâm nghiên cứu tài chính thuộc Công ty bảo hiểm ký thác Liên bang Hoa Kỳ (FDIC); Chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu các định chế tài chính Hoa Kỳ; Tổng biên tập tạp chí Review of Financial Studies;
- PGS. Stephen G Dimmock, Đại học công nghệ Nanyang, Singapore; Tổng biên tập Tạp chí Pension Economics and Finance;
- TS. Mark J. Flannery, Đại học Florida, Hoa Kỳ; Chuyên gia kinh tế trưởng và Trưởng bộ phận phân tích kinh tế và rủi ro của Ủy ban chứng khoán Hoa Kỳ;
- GS. Raghavendra Rau, Đại học Cambridge, Anh Quốc; Chủ tịch Hiệp hội tài chính Châu Âu, Tổng biên tập Tạp chí Financial Management;
- GS. Stephen Siegel, Đại học Washington, Hoa Kỳ;
- GS. Iftekhar Hasan, Đại học Fordham, Hoa Kỳ; Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tài chính hiện đại của Đại học Fordham;
- PGS. Yingying Li, Đại học khoa học và công nghệ Hồng Kông; Phó tổng biên tập Tạp chí Econometrics;
- GS. Utpal Bhattacharya, Đại học khoa học và công nghệ Hồng Kông; Phó tổng biên tập Tạp chí Review of Financial Studies và Journal of Financial Markets;
- GS. Allaudeen Hameed, Đại học quốc gia Singapore; Phó tổng biên tập Tạp chí Financial Management và Pacific-Basin Finance Journal.
Hội thảo về quản trị tài chính Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương 2019 do Hiệp hội quản trị tài chính (FMA) và Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) đồng tổ chức, diễn ra từ ngày 10 đến 12 tháng 7 năm 2019 tại TDTU. Đây là lần đầu tiên FMA tổ chức hội thảo tại Việt Nam. GS. Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng TDTU là Đồng chủ tịch của Hội thảo.
Hiệp hội quốc tế về quản trị tài chính (Financial Management Association International: FMA) là tổ chức quốc tế đứng đầu về quản trị tài chính; thành lập năm 1970 tại Hoa Kỳ. Sứ mạng của Hiệp hội là thúc đẩy nghiên cứu về quản trị tài chính thông qua trao đổi kết quả nghiên cứu khoa học và kinh nghiệm thực tiễn trên phạm vi toàn thế giới.
Hoạt động thường xuyên của Hiệp hội là tổ chức các Hội nghị thường niên (Annual meetings), Hội thảo khoa học (Conferences) và các hoạt động học thuật khác. Bằng cách đó, kết nối các nhà giáo dục, nhà nghiên cứu và chuyên gia thực hành trên toàn thế giới để trao đổi kiến thức và thảo luận về những vấn đề phát sinh trong lĩnh vực tài chính toàn cầu và khu vực.
Hội thảo về quản trị tài chính Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương là một trong các hội thảo thường niên của FMA, tổ chức tại các quốc gia Châu Á; tập trung vào các vấn đề đặc trưng của Châu Á-Thái Bình Dương bên cạnh các vấn đề chung về tài chính toàn cầu.
Quốc gia được FMA chọn để tổ chức Hội thảo thường là quốc gia có nền kinh tế phát triển như: Nhật Bản (năm 2014), Hàn Quốc (năm 2015), Úc (năm 2016), Đài Loan (năm 2017), Hồng Kông (năm 2018), … Đặc biệt, nơi đăng cai tổ chức Hội thảo phải là các đại học lớn, có thành tích nghiên cứu khoa học nổi bật; đặc biệt là uy tín và tính quốc tế hóa cao, như: Đại học bách khoa Hồng Kông, Đại học quốc gia Đài Loan, Đại học New South Wales, Đại học quốc gia Úc,..
Năm 2019, Việt Nam được chọn là quốc gia để FMA tổ chức Hội thảo Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương Lần thứ 11; và Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) vinh dự là chủ thể đồng tổ chức cùng với FMA.