Để góp phần giải quyết vấn đề khó khăn trong quản lý và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, cũng như tiếp nối mô hình phân loại rác đang được thực hiện tại Đại học Tôn Đức Thắng, nhóm sinh viên Khoa môi trường và bảo hộ lao động đã xây dựng ý tưởng và thực hiện thử nghiệm mô hình xử lý rác sinh hoạt sau phân loại.
Kết quả ban đầu khảo sát tỷ lệ các thành phần thường phát sinh trong rác thải sinh hoạt cho thấy: 1) thành phần hữu cơ dễ phân hủy sinh học chiếm 70% (gồm thực phẩm thừa, rác thải từ hoạt động nấu ăn của căn tin, hoạt động cắt tỉa cây cảnh, thu dọn lá cây…); 2) thành phần có khả năng tái chế chiếm 25% (giấy, nilon, nhựa, thủy tinh, vỏ đồ hộp…); và 3) thành phần khác chiếm 5% (chất thải trơ như xà bần, móp xốp…và chất thải nguy hại).
Dựa vào kết quả khảo sát này, nhóm sinh viên đã đưa ra mô hình: a) nuôi giun; và b) ủ phân từ thành phần hữu cơ dễ phân hủy sinh học (chiếm tỷ lệ cao nhất trong toàn bộ thành phần rác sinh hoạt hiện nay của Nhà trường).
Ngoài ý nghĩa xử lý được thành phần hữu cơ dễ phân hủy sinh học trong rác thải sinh hoạt, mô hình nuôi giun và ủ phân tạo ra thành phẩm là phân giun và phân compost có thể sử dụng để bón cho cây trồng. Đây là loại phân sạch, thân thiện môi trường, có khả năng cải tạo đất. Ngoài ra, mô hình nuôi giun bằng nguồn thức ăn là rác hữu cơ dễ phân hủy còn góp phần tạo ra sinh khối giun, có thể lên men, dùng để phun xịt dinh dưỡng cho hoa cảnh.
Sau đây là một số hình ảnh về quá trình thực hiện thử nghiệm mô hình của sinh viên Khoa môi trường và bảo hộ lao động: