Áp dụng công nghệ tự nhiên trong thu gom nước mưa để cấp nước sinh hoạt

Nước là vật chất vô cùng cần thiết cho sự sống. Tuy nhiên hiện nay chúng ta đang đối mặt với tình trạng khan hiếm nước do rất nhiều nguyên nhân: bùng nổ dân số, nhu cầu sử dụng nước tăng cao, việc khai thác và sử dụng quá mức, ô nhiễm nguồn nước từ các hoạt động phát triển,… .

 

Nuoc-mua-1.jpg
Tình trạng ô nhiễm nước ở Việt nam

 

Số liệu thống kê năm 2016 cho thấy trên thế giới có khoảng 663 triệu người không có khả năng tiếp cận nguồn nước sạch. Trong khi đó, Việt Nam chúng ta nhận được một lượng mưa lớn hằng năm, trung bình đạt mức 1.680 mm/năm. Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có uống được nước mưa? Chất lượng nước mưa có bảo đảm an toàn trong sinh hoạt hàng ngày? Tính bền vững của hệ thống thu hứng nước mưa và khả năng tiếp cận?

 

Nuoc-mua-2.jpg
Nước mưa ở Việt nam

 

Mưa rơi xuống từ thượng nguồn sẽ chảy trên bề mặt qua các thành phố, các dòng sông, hoặc ngấm vào đất thành nước ngầm; cuối cùng sẽ đổ ra biển. Nước mưa sạch ban đầu sẽ bị nhiễm bẩn khi di chuyển trên bề mặt. Mức độ nhiễm bẩn phụ thuộc vào quãng đường nước mưa di chuyển sau khi chạm mặt đất và thời gian tiếp xúc với bề mặt chất bẩn. Quãng đường di chuyển càng xa, độ ô nhiễm càng lớn. Dựa trên nguyên lí quãng đường di chuyển thì nước mưa trên mái nhà có quãng đường di chuyển gần bằng không; do đó nước mưa trên mái nhà có chất lượng tốt nhất so với các loại nước mưa chảy trên bề mặt.

 

Nuoc-mua-3.jpg
Chất lượng nước trong chu trình tự nhiên

 

Nước mưa trên mái nhà nếu được thu hứng với kỹ thuật tốt, chúng ta có thể dễ dàng xử lý đạt tiêu chuẩn đối với chất lượng nguồn nước dùng trong ăn uống theo tiêu chuẩn của WHO hay tiêu chuẩn cấp nước ăn uống của Việt Nam. Bằng kỹ thuật đơn giản, chúng ta có thể tăng hiệu quả chất lượng nguồn nước mưa đã được thu hứng như việc áp dụng các công nghệ tự nhiên: công nghệ trọng lực và bio-film,… sử dụng ngay trong bể chứa nước mưa. Một số công nghệ cải tiến có thể được áp dụng để nâng cao chất lượng nguồn nước mưa như kĩ thuật loại bỏ cặn, first flush, khử trùng bằng năng lượng mặt trời, hay mô hình vận chuyển nước mưa nổi cũng dễ dàng áp dụng ở qui mô nhỏ, qui mô hộ gia đình.

 

Nuoc-mua-4.jpg
Hệ thống thu nước mưa thí điểm được xây dựng và vận hành tại một số trường học và gia đình ở Việt Nam

 

Nuoc-mua-5.jpg
Công nghệ cải tiến trong việc xử lý nước mưa làm nguồn nước cấp trong sinh hoạt hàng ngày

 

Sinh viên Khoa MT&BHLĐ, Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) đã bước đầu tiếp cận với ý tưởng thu gom và sử dụng nước mưa thông qua nội dung Môn học quản lý tài nguyên và một vài buổi tọa đàm, seminar về khả năng thu hứng nước mưa ở TPHCM đã được tổ chức tại Trường. Bằng việc thu hứng, sử dụng nguồn nước mưa dùng trong sinh hoạt hàng ngày, chúng ta có thể góp phần giải quyết được phần nào vấn đề khan hiếm, thiếu hụt nguồn nước sạch như hiện nay. Đây cũng là một trong những chương trình trọng tâm trong thời gian tới nhằm hướng tới sự phát triển bền vững.

 

Nuoc-mua-6.jpg
Seminar về khả năng thu hứng nước mưa ở TPHCM và công nghệ thu gom, sử dụng nước mưa tại TDTU (tháng 09/2017)