Các mạng xã hội đã và đang kết nối hàng triệu người dùng trên thế giới. Gần như không có một rào cản hay khó khăn nào để tham gia vào một mạng xã hội, ngay cả đối với người mới bắt đầu. Người trẻ dành khá nhiều thời gian mỗi ngày cho việc sử dụng mạng xã hội với nhiều mục đích khác nhau, trong đó, không ít người vào mạng như một thói quen khó bỏ.
Mạng xã hội thực sự là một xã hội ảo, có tất cả những thông tin tốt, xấu. Điều quan trọng nằm ở bản lĩnh và khả năng nhận thức của mỗi người.
Trong các chương trình giáo dục sinh viên, Trường Đại học Tôn Đức Thắng luôn chú trọng đến các nội dung liên quan đến ứng xử trên mạng xã hội, khai thác mạng xã hội một cách có ích cho nhu cầu học tập, rèn luyện của sinh viên. Riêng trong đợt giáo dục công dân đầu khoá của năm học 2021-2022, nhà trường đã dành riêng một chuyên đề cho vấn đề này do ThS. Dương Trọng Phúc – Phó Hiệu trưởng Trường đoàn Lý Tự Trọng làm diễn giả.
Ứng xử phù hợp và khai thác mạng xã hội một cách hiệu quả là hai nội dung chính mà diễn giả đã dành nhiều thời gian trao đổi với các bạn sinh viên Khoá 25. Theo ThS. Dương Trọng Phúc, nhiều bạn trẻ tỏ ra khá vô tư và hồn nhiên trong việc chia sẻ bất kỳ thông tin nào về mình trên trang Facebook, từ những bức ảnh check-in đậm chất trẻ trung, đến những cảm xúc đa dạng của chính mình, kể cả việc thể hiện quan điểm cá nhân đối với những vấn đề của xã hội ngay khi mình hoàn toàn chưa có đủ thông tin và căn cứ.
Cách thể hiện của bạn trẻ trên mạng xã hội cần phải được nhìn nhận một cách chín chắn hơn. Pháp luật đã có những quy định về trách nhiệm khi cung cấp thông tin trên mạng. Các nền tảng mạng xã hội đều là những cỗ máy có khả năng phân tích hành vi người dùng một cách “siêu đẳng”, chỉ thông qua những “react” như thể hiện cảm xúc, chia sẻ hay đơn giản là xem nội dung gì, kết bạn với ai, những thông tin về cá nhân của từng người sẽ được trích xuất với độ chính xác mà chính người dùng cũng phải bất ngờ. Ngoài ra, những thể hiện của cá nhân trên mạng xã hội cũng là nguồn thông tin mà nhiều nhà tuyển dụng tham khảo khi đánh giá ứng viên. Khoảng cách giữa xã hội ảo với xã hội thực đã trở nên không còn. Vậy, bạn có nên “hồn nhiên” khai tất cả dữ liệu về mình trên mạng xã hội?
Cũng với mục đích giúp các bạn sinh viên có thêm kỹ năng để tham gia vào mạng xã hội một cách an toàn và văn minh, mới đây, Khoa Quản trị kinh doanh cũng đã tổ chức một talkshow với chủ đề “Ứng xử văn minh trên không gian mạng” với sự tham gia của nhiều sinh viên khoa. Buổi nói chuyện được trình bày bởi TS. Đỗ Anh Đức - Trưởng Bộ môn Truyền thông đa phương tiện, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông thuộc Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội.
Nói về khía cạnh “Ứng xử văn minh”, TS. Đỗ Anh Đức cho rằng giữ phong cách tế nhị, tôn trọng và không làm phiền người khác là điều cần thiết khi tham gia mạng xã hội, đặc biệt khi thể hiện quan điểm đối với các vấn đề của cộng đồng. Việc đăng tải hình ảnh bản thân mọi lúc mọi nơi cũng là điều cần được các bạn trẻ cân nhắc thấu đáo, hiểu rõ những lợi hại trước mắt và lâu dài trước khi thực hiện.
Bên cạnh đó, diễn giả còn đề cập đến những thực trạng đáng báo động trên mạng xã hội: một số cá nhân chưa nắm rõ thông tin mà đã vội vàng chia sẻ về trang cá nhân, việc dùng những lời lẽ không hay cho đối phương trên không gian ảo đang trở nên mất kiểm soát, … Diễn giả đưa ra lời khuyên đối với các bạn trẻ: nên chọn lọc các nguồn thông tin đúng đắn, nhìn nhận vấn đề một cách đa chiều, đừng vội phán xét cũng như chia sẻ, không thêm/bớt nội dung và không gây kích động.
Những chia sẻ rất thực tế của các diễn giả đã giúp các bạn sinh viên nhìn nhận lại cách sử dụng mạng xã hội của bản thân và tự điều chỉnh cho phù hợp. Không thể tự tách rời khỏi xu thế chung của xã hội được dẫn dắt bởi sự phát triển của công nghệ, nhưng cũng đủ tỉnh táo để không hùa theo đám đông khi chưa cân nhắc đúng sai, đặc biệt là không lãng phí quá nhiều thời gian cho việc sống ảo trên không gian mạng là những điều mà bạn trẻ cần nhanh chóng nhận ra.