Lễ trao giải thưởng khoa học Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU Prize) ngày 27/12 đã vinh danh GS Timon Rabczuk (Đại học Bauhaus Weimar, Đức) ở hạng mục Thành tựu trọn đời.
Ông có 4 năm nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Northwestern, Evanston (Mỹ) và Đại học Kỹ thuật Munich (Đức) trước khi làm giảng viên chính tại Đại học Canterbury (New Zealand). 10 năm trước, ông được bổ nhiệm làm giáo sư thực thụ về cơ học tính toán tại Đại học Bauhaus Weimar.
Hướng nghiên cứu của GS Rabczuk là giao thoa giữa khoa học tính toán, kỹ thuật, cơ học, toán ứng dụng và khoa học vật liệu. Gần đây, ông quan tâm vấn đề học máy dựa trên nghiệm của phương trình đạo hàm riêng, phương pháp toán tử không địa phương, vật liệu hai chiều và kỹ thuật vật liệu tính toán tích hợp.
Ông là tác giả và đồng tác giả của hơn 400 công trình ISI với tổng số lượng trích dẫn trên 19.000 lần, trở thành nhà nghiên cứu có trích dẫn cao theo ISI trong lĩnh vực về Kỹ thuật và Khoa học máy tính. Năm 2015, Rabczuk trở thành Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Châu Âu.
GS Rabczuk tham gia hội đồng biên tập của nhiều tạp chí khoa học lớn, hướng dẫn thành công 16 tiến sĩ. Hiện, ông lãnh đạo một nhóm nghiên cứu gồm 38 nghiên cứu sinh và nghiên cứu sau tiến sĩ.
Từng đến Việt Nam 25 năm trước, ông bày tỏ sự ấn tượng về tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hoá tại đây trong lần trở lại này. Ông nói rằng, Việt Nam được cộng đồng khoa học quốc tế đánh giá cao trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, nhất là Toán học tính toán.
"Toán học tính toán nói riêng, mô hình hóa và mô phỏng nói chung là một hướng đi kịp thời và đúng đắn, rất có ích cho xã hội. Hướng đi này cũng phù hợp với người Việt Nam vì họ có nền tảng lý thuyết và tính toán tốt", ông nói và chia sẻ những kế hoạch hợp tác với đại học Việt Nam trong tương lai.
Giải thưởng Ngôi sao đang lên được trao cho GS Anderson Ho Cheung Shum (Đại học Hong Kong) - chuyên gia lĩnh vực nhũ tương, sinh khối, kỹ thuật y sinh và chất mềm.
Ông nhận bằng cử nhân hạng tối ưu ngành Công nghệ hóa vào năm 2005 tại Đại học Princeton (Mỹ), tiếp đó nhận bằng thạc sĩ và tiến sĩ ngành Vật lý ứng dụng tại Đại học Harvard.
Đóng góp đáng kể nhất của GS Shum trong lĩnh vực vi lỏng và chất mềm với đề xuất các giải pháp công nghệ liên quan đến một hệ thống đa pha nước. Ông đã công bố trên 100 công trình ISI, có hơn 4.000 trích dẫn và chỉ số ảnh hưởng (H-index) là 34 theo ISI.
GS Sibel Aysil Ozkan (Đại học Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ) nhận giải Nhà khoa học nữ với những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực cảm biến nano phân tích điện, phát triển cầu nối giữa khoa học sức khỏe và công nghệ sức khỏe. Bà là chuyên gia về cảm biến phân tích quang điện như là cảm biến sinh điện hóa, cảm biến nano, cảm biến sinh học DNA, cảm biến sinh học enzyme, xét nghiệm quang phổ, phát triển phương pháp và thử nghiệm thuốc.
Hơn 30 năm nghiên cứu khoa học, GS Ozkan đã công bố trên 250 công trình ISI, đồng thời biên tập 6 cuốn sách từ các nhà xuất bản lớn trong chuyên ngành. Bà có 4.500 trích dẫn khoa học với chỉ số ảnh hưởng 37, hiện là tổng biên tập của nhiều tạp chí uy tín trong lĩnh vực Dược.
TDTU Prize do Đại học Tôn Đức Thắng thành lập năm 2016, tổ chức xét thưởng đợt đầu tiên vào năm 2017. TDTU Prize có ba hạng mục: Thành tựu trọn đời, Ngôi sao đang lên và Nhà khoa học nữ; được xem là giải thưởng duy nhất của đại học ở Việt Nam dành cho các nhà khoa học trên khắp thế giới.
Ba tiêu chí xét trao giải gồm: năng suất và chất lượng nghiên cứu khoa học; tầm quan trọng và mưc độ sáng tạo, tính mới trong nghiên cứu khoa học; tầm ảnh hưởng của nghiên cứu khoa học.
Chủ tịch hội đồng xét chọn giải thưởng, GS Nguyễn Văn Tuấn (Đại học New South Wales, Australia), cho biết TDTU Prize 2019 nhận được 90 hồ sơ các ứng viên là các nhà khoa học đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Họ đến từ các đại học trong top 500 trường của thế giới.
Giải thưởng nhằm công nhận và tôn vinh các nhà khoa học trên thế giới có những thành tựu, công trình nghiên cứu xuất sắc, đóng góp tích cực cho sự phát triển khoa học công nghệ cũng như các hoạt động thiện nguyện phụng sự xã hội.
MẠNH TÙNG
Nguồn: VNEXPRESS