Trong đó, Giáo sư Timon Rabczuk - ĐH Bauhaus Weimar (Đức) được trao giải “Thành tựu trọn đời" với giải thưởng 5.000 USD. GS. Rabczuk có nhiều cống hiến trong chuyên ngành của ông trên bình diện quốc tế. Hướng nghiên cứu của GS. Rabczuk là giao thoa giữa khoa học tính toán, kỹ thuật, cơ học, toán ứng dụng và khoa học vật liệu. Vấn đề ông quan tâm gần đây là học máy dựa trên nghiệm của phương trình đạo hàm riêng, phương pháp toán tử không địa phương, vật liệu hai chiều và kỹ thuật vật liệu tính toán tích hợp.
Ông là tác giả và đồng tác giả của hơn 400 công trình ISI với tổng số lượng trích dẫn trên 19.000 lần theo ISI. Ông là nhà nghiên cứu có trích dẫn cao theo ISI trong lĩnh vực về “Kỹ thuật” và “Khoa học máy tính”. Ông thuộc nhóm các nhà khoa học hàng đầu thế giới với chỉ số ảnh hưởng (H-index) là 72 theo ISI. Trong số các vinh dự quốc tế của ông thì đặc biệt là vào năm 2015 ông trở thành Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học châu Âu.
Ở hạng mục "Ngôi sao đang lên", Giáo sư Anderson Ho Cheung Shum - ĐH Hồng Kông được vinh danh với giải thưởng 4.000 USD. GS. Shum là chuyên gia trong lĩnh vực nhũ tương, sinh khối, kỹ thuật y sinh và chất mềm. Ông đã công bố trên 100 công trình ISI. Hướng nghiên cứu của ông có nhiều ảnh hưởng trong chuyên ngành và đã thu hút trên 4.000 trích dẫn và chỉ số ảnh hưởng (H-index) là 34 theo ISI.
Còn ở hạng mục "Nhà khoa học nữ", Giáo sư Sibel Aysil Ozkan - Đại học Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) được vinh danh với phần thưởng 3.000 USD. GS. Ozkan là chuyên gia về cảm biến phân tích quang điện như là cảm biến sinh điện hóa, cảm biến nano, cảm biến sinh học DNA, cảm biến sinh học enzyme, xét nghiệm quang phổ, phát triển phương pháp và thử nghiệm thuốc. Bà có hơn 250 công trình ISI, hơn 4500 trích dẫn với chỉ số ảnh hưởng 37.
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, Viện nghiên cứu y khoa Garvan - giáo sư Y khoa Trường ĐH New South Wales (Úc) - Chủ tịch Hội đồng giải thưởng TDTU Prize chia sẻ rằng các nhà khoa học được trao giải là những nhà khoa học uy tín, có nhiều công bố khoa học quốc tế và có chỉ số trích dẫn rất cao. Những nhà khoa học đoạt giải đều đạt 4 yêu cầu đó là năng suất và chất lượng công trình khoa học, mức độ ảnh hưởng trong ngành, ảnh hưởng tới quốc tế, xã hội và được đồng nghiệp quốc tế đánh giá cao. Giải thưởng còn là một trong những nỗ lực để quảng bá hình ảnh Việt Nam trên trường khoa học quốc tế.
Giải thưởng khoa học ĐH Tôn Đức Thắng được khởi xướng từ năm 2016, trao giải 2 năm một lần vào các năm lẻ, lần đầu trao vào năm 2017. Đây là lần thứ 2 giải thưởng được trao cho các nhà khoa học. Được biết, đây là trường ĐH đầu tiên trong nước tổ chức giải thưởng dành cho các nhà khoa học trên toàn cầu.
Giải thưởng có mục tiêu công nhận và tôn vinh các nhà khoa học trên thế giới có những thành tựu, công trình nghiên cứu xuất sắc, đã và đang đóng góp tích cực cho sự phát triển khoa học - công nghệ của nhân loại cũng như các hoạt động thiện nguyện phụng sự con người và xã hội trên toàn thế giới.
Năm nay có 90 hồ sơ của các ứng viên là những nhà khoa học đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ: Ai Cập, Algeri, Ấn Độ, Bangladesh, Bỉ, Canada, Đài Loan, Đức, Hàn Quốc, Hồng Kông, Iran, Israel, Jordan, Malaysia, Mỹ, Nhật, Nga, Nigeria, Pakistan, Serbi, Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam và Ý cạnh tranh 3 hạng mục: thành tựu trọn đời, ngôi sao đang lên và nhà khoa học nữ.
Hội đồng thẩm định bao gồm các nhà khoa học, quản lý khoa học nổi tiếng trong và ngoài nước. Trong đó Chủ tịch là Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, Viện nghiên cứu y khoa Garvan và ĐH New South Wales (Úc).
Lê Phương
Nguồn: Báo Dân Trí