Bài 2: Các trường "mon men" sử dụng phần mềm phát hiện đạo văn

Nếu như ở các nước tiên tiến trên thế giới, đạo văn từ lâu đã được nhìn nhận là một sai phạm rất nghiêm trọng trong giới học thuật và được kiểm soát rất chặt chẽ, thì ở Việt Nam, một số trường đại học mới bước đầu thực hiện truyền thông nội bộ và trang bị những công cụ để phát hiện đạo văn.

Theo tìm hiểu của Vietnamnet, một số trường đại học trong nước đã trang bị phần mềm phát hiện đạo văn gồm có: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Hoa Sen, ĐH Kinh tế TP.HCM… Đây là những cơ sở giáo dục ĐH thuộc nhóm các trường đại học công lập tốp đầu hoặc những trường đại học ngoài công lập được đánh giá là có tinh thần hội nhập quốc tế tốt.

Từ năm 2016, ĐH Quốc gia Hà Nội bắt đầu đưa vào sử dụng phần mềm DoIt. Phần mềm này có khả năng phát hiện các chi tiết trùng lặp do nhóm của TS. Võ Đình Hiếu (Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội) tự xây dựng và phát triển.

TS. Võ Đình Hiếu cho biết, phần mềm này hiện đang được tất cả các trường trực thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội sử dụng như bước đầu tiên để phát hiện đạo văn. Tỷ lệ trùng lặp được xác định là đảm bảo tiêu chuẩn được đưa ra tuỳ thuộc vào mỗi chuyên ngành.

Hiện tại, phần mềm DoIt vẫn đang được thường xuyên cập nhật và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu.

“Đến nay, có khoảng 5.000 người đăng ký sử dụng phần mềm. Số lượng tài liệu hiện có của DoIt là hơn 10 nghìn. Mỗi ngày phần mềm xử lý khoảng 30-40 bài. Hiện tại, phần mềm được cho phép sử dụng miễn phí và ai cũng có thể truy cập” – TS. Hiếu chia sẻ.

Một giảng viên của  Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) – cơ sở đã bắt đầu sử dụng phần mềm DoIt được 2 tháng nay – cho biết, hiện trường này đang sử dụng phần mềm cho các luận văn, luận án của học viên sau đại học – khoảng hơn 200 luận văn cho đợt tốt nghiệp vừa qua. Sắp tới, trường sẽ áp dụng cho cấp đại học.

“Theo quy định, các luận văn sẽ phải chạy qua phần mềm trước khi nộp. Tỷ lệ trùng lặp đạt yêu cầu là trên dưới 20%”.

Sau khi xảy ra một số vụ việc lớn liên quan đến đạo văn, lãnh đạo trường rất quan tâm tới vấn đề này. Trong những ngày đầu tiên nhập học, trường đã đưa nội dung này vào phần trao đổi, phổ biến cho tân sinh viên.

Trong khi đó, một phần mềm phát hiện đạo văn phổ biến trên thế giới và cũng được các trường Việt Nam sử dụng nhiều nhất là Turnitin.

Một giảng viên khoa Toán, ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ, nhà trường có những buổi tập huấn sử dụng phần mềm Turnitin cho giảng viên. Khi học viên cao học nộp luận văn, cũng phải có chữ ký của giảng viên là đã chạy qua phần mềm đó. “Nếu giảng viên ký rồi mà vẫn phát hiện sao chép, giảng viên phải chịu trách nhiệm. Mức cho phép là dưới 20%. Trường làm rất chặt chuyện này. Có quy chế công khai và quy định các biện pháp xử phạt rõ ràng”. 

Làm đúng, sinh viên ‘tá hoả’ 

Trường ĐH Tôn Đức Thắng là một trong những trường sử dụng phần mềm tự phát triển.

TS. Dương Thị Thuỳ Vân – Giám  đốc Trung tâm Công nghệ thông tin – cho biết, phần mềm đã được trường sử dụng khoảng 7 năm nay. Tất cả đồ án môn học, tiểu luận, luận văn, luận án của sinh viên, học viên cao học đều phải được kiểm tra qua hệ thống mới, nếu đạt yêu cầu mới được chấm điểm. Tuỳ đặc thù của từng môn học, giảng viên sẽ đưa ra tỷ lệ trùng khớp cho phép.

Với sinh viên, khi nộp bài qua hệ thống, các em sẽ tự kiểm tra được bài của mình đã đạt yêu cầu hay chưa. Nếu chưa đạt tỷ lệ cho phép, các em phải sửa lại. Đó là cách quản lý với các bài tập lớn, tiểu luận ở khoa. Với luận văn, đồ án tốt nghiệp, sẽ có thêm bước can thiệp của bộ phận quản lý cấp trường. Chúng tôi sẽ không dựa trên cơ sở dữ liệu trong trường với nhau, các khoá với nhau, mà kiểm tra giữa nguồn dữ liệu bên ngoài có được: hệ thống luận văn, báo cáo của các trường đại học trong và ngoài nước”.

Theo TS. Vân, sở dĩ phải chia thành 2 cấp độ kiểm tra vì thông thường đồ án môn học, bài tập lớn, các em thường sao chép của các khoá trên, độ sao chép ngoài trường rất ít, mà kiểm tra trên cơ sở dữ liệu lớn thì mất rất nhiều thời gian. Một môn học có hàng trăm sinh viên thì việc kiểm tra phải đáp ứng yếu tố thời gian.

Những ngày đầu mới triển khai, sinh viên trong trường đã rất “hoang mang” và “tá hoả” vì hàng loạt bài nộp của các em rơi vào tình trạng trùng lặp quá mức cho phép. Các em chưa nhận thức được thế nào là đạo văn, chưa biết cách trích dẫn đúng. Nộp bài lên lại bị trả về.

 

Khi đó, các thầy mới bắt đầu hướng dẫn lại cho sinh viên cách làm như thế nào. Không phải cứ phần cơ sở lý thuyết là mình chép nguyên si của người ta, mà phải viết lại theo cách của mình. Chính các thầy cũng phải thay đổi cách hướng dẫn. Ngày xưa các thầy cũng hay bỏ qua phần cơ sở lý thuyết, mà chú trọng vào phần cải tiến trong đề tài của sinh viên. Sau đó, cả thầy và trò mới bắt đầu ý thức về cách tham khảo, trích dẫn”.

Mất khoảng hơn một năm, thầy trò của trường mới bắt đầu thành thục các quy trình và mọi thứ đi vào ổn định. Đó cũng là thời điểm mà nhóm phát triển phần mềm bắt đầu mở rộng cơ sở dữ liệu. TS. Vân kể lại, thậm chí chị còn phải tới tiệm photocopy gần các trường đại học để tìm kiếm nguồn tài liệu, vì các em hay tới đây mua về chế bản lại thành bài của mình.

Những trường đại học đưa phần mềm vào sử dụng với cả các bài tập lớn, tiểu luận ở bậc đại học như Trường ĐH Tôn Đức Thắng không nhiều. Phần lớn đối tượng áp dụng hiện tại mới chỉ ở bậc sau đại học.

Riêng ở ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), các nội dung này được đưa vào một bộ môn có tên là Scientific Writting and Communication (SWC). Sinh viên sẽ được dạy cách viết từ báo cáo môn học, báo cáo thực tập, đề cương nghiên cứu, luận văn cho đến các bài báo khoa học để đăng trên tạp chí chuyên ngành.

Mục tiêu của môn học là giúp sinh viên có thể hoàn thành tốt các yêu cầu về viết và thuyết trình trong quá trình học, làm khóa luận tại trường cũng như khi đi thực tập và làm việc sau này.

TS. Nguyễn Trịnh Hoàng Anh, giảng viên khoa Năng lượng, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội – người đang trực tiếp đứng lớp môn học này – thừa nhận, thông thường một học sinh phổ thông khi mới lên học đại học chưa có ý thức rõ ràng và đầy đủ về vấn đề đạo văn. Thông qua môn học này, các em đã được trang bị những kiến thức cơ bản về trích dẫn và các phương pháp trích dẫn.

“Ban đầu, các bạn chỉ nghĩ nếu chép y nguyên lại từ các tài liệu khác mới cần trích dẫn, còn nếu diễn đạt lại thì không. Nhưng sau khóa học, các bạn sinh viên đều có ý thức rằng việc sử dụng lại các tài liệu đã có trước đó dưới bất kì hình thức nào cũng đều cần tôn trọng quyền tác giả bằng cách trích dẫn đầy đủ và hợp lý” .

Giảng viên này cũng cho biết, do 100% giảng viên và nghiên cứu viên tại USTH đều là người nước ngoài hoặc được đào tạo từ các nước phát triển nên việc sử dụng hay hướng dẫn sinh viên sử dụng các công cụ kiểm tra đạo văn trong quá trình thực hiện công trình nghiên cứu là một điều phổ biến.

“Bên cạnh các phần mềm bản quyền, chúng ta có thể tìm được rất nhiều các công cụ miễn phí với cùng mục đích”.

Theo TS. Hoàng Anh, các công cụ đang được sử dụng chủ yếu hiệu quả đối với việc kiểm tra các tài liệu tiếng Anh, còn với tiếng Việt thì rất khó kiểm tra do cơ sở dữ liệu tiếng Việt ở các lĩnh vực chuyên ngành chưa được đầy đủ.

Tuy vậy, việc sử dụng phần mềm phát hiện đạo văn mới chỉ là bước rà soát đầu tiên để kết luận một sản phẩm khoa học có vi phạm lỗi đạo văn hay không.

Phần mềm chỉ là bước đầu tiên

Gs. Phan Thiện Nhân – Trưởng khoa Cơ khí, ĐH Quốc gia Singapore, phó Tổng biên tập tạp chí Physics of Fluids – chia sẻ, mỗi năm tạp chí này nhận được khoảng 1.400 bài viết gửi đến, và ông chịu trách nhiệm giám sát khoảng 250 bài.

Những bản thảo này sẽ được kiểm tra qua phần mềm iThenticate. Khi con số trùng lặp với cơ sở dữ liệu lên tới khoảng 30%, người kiểm duyệt sẽ xem xét lại và quyết định bản thảo đó có vi phạm lỗi đạo văn hay không. Phần mềm không thể làm được việc này.

“Tôi có thể từ chối bản thảo ở bước này mà không cần phải giải thích gì thêm nếu rõ ràng tác giả chỉ đơn giản là sao chép nguyên văn văn bản. Nếu tôi cho rằng nó không đơn thuần là sao chép, thì bản thảo sẽ được gửi tới một bộ phận khác để xem xét tiếp”.

GS Phan Thiện Nhân cho biết, trong trường hợp đạo văn (gồm cả tự đạo văn), tổng biên tập sẽ được cảnh báo, và các động thái tiếp theo sẽ được thực hiện, bao gồm cả việc không tiếp tục nhận bài viết từ những tác giả này.

Nguyễn Thảo
Nguồn: Vietnamnet

Loạt bài về chống đạo văn trên Vietnamnet:

Bài 1: Chống đạo văn: "Có ai nói cho các em đâu!"

Bài 2: Các trường "mon men" sử dụng phần mềm phát hiện đạo văn

Bài 3: "Đã phát hiện đạo văn nhưng lại vỗ vai nhau cho qua"