Hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ ngày 9/12/2019

Phó Thủ tướng Thường trực tiếp xúc cử tri tại Long An

Ngày 9/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An tiếp xúc cử tri huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An.

Lắng nghe ý kiến phát biểu của cử tri trên địa bàn huyện và phần trả lời, giải trình của lãnh đạo các đơn vị của tỉnh Long An và huyện Thủ Thừa, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã phát biểu, chia sẻ, trao đổi thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong năm, công tác chỉ đạo, điều hành trong quản lý Nhà nước của Chính phủ.

Theo Phó Thủ tướng, năm 2019 là năm thứ 4 thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020 và là năm thứ 9 thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020. Việc hoàn thành nhiệm vụ năm 2019 có ý nghĩa hết sức quan trọng để tạo nền tảng tiếp tục hoàn thành kế hoạch 5 năm và Chiến lược 10 năm, đưa đất nước bước sang giai đoạn mới, thực hiện Chiến lược 10 năm giai đoạn 2021-2030.

Phó Thủ tướng cho biết, sau hơn 30 năm đổi mới, từ một nước nghèo, kém phát triển, chúng ta đã vươn lên trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình. Chính trị xã hội ổn định, an sinh xã hội được bảo đảm, Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc.

Hiện Chính phủ đang thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo đó, Chính phủ ưu tiên thực hiện 3 đột phá chiến lược gồm: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tập trung vào hệ thống hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị lớn.

Năm 2019, tình hình trong nước, khu vực và quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, nhiều mặt không thuận lợi, gây ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển kinh tế và đời sống người dân. Tuy nhiên, với phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, các ngành, các cấp đã nỗ lực, vượt qua khó khăn, thách thức và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên nhiều ngành, lĩnh vực. Kết quả kinh tế - xã hội trong 10 tháng của năm 2019 được đánh giá rất tích cực. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, khoa học tiếp tục được quan tâm. Phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau" lan tỏa trong xã hội. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều kết quả quan trọng. Quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia được giữ vững, trật tự xã hội được bảo đảm.

Đáng chú ý, dự kiến năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp chúng ta đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó 5 chỉ tiêu vượt.
Phó Thủ tướng cho biết, thời gian còn lại của năm 2019, ngoài việc thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp; bám sát tình hình quốc tế, trong nước, có đối sách phù hợp, kịp thời, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, làm tốt công tác phòng chống tham nhũng, làm rõ và xử lý nghiêm các vụ tham nhũng lớn, thu hồi tài sản tham nhũng, đấu tranh với các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, bảo kê, tín dụng đen, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Với Long An, cho rằng tỉnh đang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, tuy nhiên, Phó Thủ tướng lưu ý tỉnh cần làm tốt hơn nữa việc thu hút đầu tư, nhất là những lĩnh vực sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Về vấn đề xử lý rác thải, tỉnh nên đi theo hướng đầu tư dự án đốt rác phát điện, bảo đảm môi trường.

Trong phát triển nông nghiệp, hiện đã có nhiều mô hình ứng dụng khoa học vào sản xuất nhưng tỉnh cần chú trọng hơn nữa phát triển các vùng chuyên canh lớn, ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng năng suất và giá trị kinh tế cho người dân.
Cùng với đó, ưu tiên nguồn lực cho việc đồng bộ phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tâng giao thông kết nối với TPHCM và các tỉnh trong khu vực. Khai thác hiệu quả vùng Đồng Tháp Mười.

Chính quyền tỉnh Long An cũng cần phải quan tâm nhiều đến công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân; làm tốt an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho các gia đình chính sách, người nghèo, bảo đảm mọi người dân đều được hưởng những thành quả phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và của cả nước.

Với những kiến nghị của cư tri nêu tại buổi tiếp xúc, Phó Thủ tướng Thường trực cho biết, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ ghi nhận, tiếp thu và chuyển tới các cơ quan chức năng nghiên cứu xem xét, xử lý.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Đại học Việt-Pháp

Ngày 9/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (ĐH Việt-Pháp). 

ĐH Việt-Pháp được thành lập theo Quyết định số 2067/QĐ-TTg năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ trong khuôn khổ Hiệp định liên Chính phủ giữa Việt Nam và Pháp ký ngày 12/11/2009. Trường được xây dựng theo mô hình mới với kỳ vọng trở thành một trường ĐH xuất sắc đẳng cấp quốc tế và là biểu tượng cho mối quan hệ hợp tác giáo dục ĐH và nghiên cứu giữa hai quốc gia.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng tinh thần và những giá trị của ĐH Việt-Pháp trong những năm qua trước hết nằm ở chỗ đã góp phần vào đổi mới mô hình quản trị ĐH trong những năm qua.

Trước đó, các trường ĐH ở Việt Nam là những đơn vị sự nghiệp trực thuộc các bộ ngành, các tỉnh, gần như được quản trị một nửa giống cơ quan hành chính. Những mô hình quản trị ban đầu như ĐH Việt-Pháp, ĐH Việt-Đức và một số trường ĐH khác như ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH quốc gia Hà Nội, ĐH quốc gia TPHCM… đã mở ra cách nhìn nhận mới của các cơ quan nhà nước, toàn xã hội về sự cần thiết, không thể thiếu được của tự chủ ĐH. Không chỉ giảm bớt sự can thiệp mang tính hành chính từ cơ quan chủ quản vào môi trường đào tạo, nghiên cứu, mà đổi mới cả cơ chế quản lý trong trường ĐH, đưa tinh thần tự chủ xuống từng khoa, bộ môn, giảng viên và sinh viên.
“Những mô hình như ĐH Việt-Pháp giúp quá trình thúc đẩy tự chủ ĐH ở Việt Nam được nhanh hơn, có sở cứ thực tiễn để thuyết phục nhiều ý kiến còn băn khoăn”, Phó Thủ tướng nói.

Đến nay, không chỉ có mấy chục trường ĐH ở Việt Nam tiếp tục thực hiện tự chủ, mà tinh thần tự chủ ĐH đã được luật hoá trong Luật Giáo dục ĐH sửa đổi.

Gắn với tự chủ, các trường ĐH ở Việt Nam đã đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, để không chỉ là nơi truyền thụ tri thức mà còn sáng tạo ra tri thức. Trước đây, phần lớn nhiệm vụ nghiên cứu khoa học nằm ở các viện nghiên cứu công lập, các trường ĐH ít quan tâm, không có nhiều điều kiện trở thành những trung tâm nghiêu cứu của đất nước. Nhờ những mô hình như ĐH Việt-Pháp và các chỉ đạo tiếp theo, đến nay các trường ĐH ở Việt Nam đã nhận rõ sứ mệnh phải đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, là nơi sáng tạo ra tri thức.

“Số lượng các công bố nghiên cứu khoa học quốc tế của Việt Nam trong những năm gần đây tăng rất nhanh. Từ chỗ chỉ có một vài phần trăm các công trình nghiên cứu được đăng trên những tạp chí có uy tín quốc tế là của các trường ĐH, thì 3 năm qua tỷ lệ này lên tới 80%. Đáng chú ý, bên cạnh những trường ĐH lớn đã có một số trường ĐH còn rất mới, quy mô chưa lớn nhưng đã có nhiều công bố quốc tế được cộng đồng khoa học đánh giá cao như ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Duy Tân, ĐH Việt-Pháp”, Phó Thủ tướng dẫn chứng.

Đối với ĐH Việt-Pháp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh: Biểu tượng, giá trị của hợp tác quốc tế của nhà trường đã được nhiều trường ĐH ở Việt Nam nhìn vào, noi theo.

Vươn lên đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế là một mục tiêu của giáo dục ĐH Việt Nam, vì vậy, càng cần phải tăng cường hợp tác quốc tế. Mỗi trường ĐH không của riêng địa phương nào, cơ quan nào, thậm chí là của riêng đất nước nào mà đây là nơi làm ra tri thức, đưa những tri thức đó vào thay đổi cuộc sống.

Là một trong những dự án hợp tác điển hình giữa nhân dân, Chính phủ Việt Nam và Pháp, Phó Thủ tướng đánh giá đội ngũ cán bộ, giảng viên, sinh viên ĐH Việt-Pháp đã góp phần làm nên thành công của một mô hình có giá trị mang tính biểu tượng, rất đáng tôn trọng.

Nhấn mạnh tương lai của ĐH Việt-Pháp gắn với trách nhiệm phía trước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý Việt Nam vẫn là nước đang phát triển, thu nhập trung bình. Việc tranh thủ lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thuộc về những nước có tiềm lực khoa học công nghệ, nền giáo dục phát triển. Trong khi đó, Việt Nam còn rất hạn chế về tiềm lực khoa học công nghệ. Giáo dục ĐH vẫn đang đứng thứ khoảng 70 trên thế giới. Việt Nam không có con đường nào khác là tập trung mạnh hơn nữa vào đào tạo nhân lực chất lượng cao, phát triển khoa học công nghệ. Sứ mệnh của các trường ĐH, đặc biệt là những trường như ĐH Việt-Pháp là rất lớn.

“ĐH Việt-Pháp không chỉ là nơi truyền thụ kiến thức, các bạn sinh viên được tiếp cận với các kiến thức, cơ sở thực hành chất lượng cao, với sự hợp tác trực tiếp của doanh nghiệp. Kết hợp với thế mạnh của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, ĐH Việt-Pháp phải từng bước, chắc chắn nhưng khẩn trương, trở thành một trung tâm nghiên cứu khoa học có uy tín, không chỉ ở Việt Nam”, Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ.

Phó Thủ tướng mong tinh thần tự lực, tự cường để vươn lên được đưa vào từng giảng viên, nhà nghiên cứu, sinh viên ĐH Việt-Pháp, từ đó lan toả ra ngoài xã hội. Không chỉ trong học tập, nghiên cứu, ĐH Việt-Pháp phải là môi trường mà ở đó những giá trị tốt đẹp của người Việt Nam, xã hội Việt Nam được khơi dậy, giữ vững và lan toả trong bối cảnh có rất nhiều biểu hiện mặt trái của công nghệ, của kinh tế thị trường đang len lỏi vào mọi mặt của cuộc sống./.

http://vpcp.chinhphu.vn/