Tháng 06/2018, một sinh viên Khoa kỹ thuật công trình Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) đã đoạt Giải A của Cuộc thi Phương án thiết kế Showroom ô tô của Tập đoàn ô tô Trường Hải (Thaco Group). Điều này thoạt nghe cũng sẽ không thấy có gì nổi bật so với thành tích thường thấy của sinh viên TDTU trong các cuộc thi nghề nghiệp trong nước và quốc tế những năm gần đây. Tôi hỏi chuyện nhưng em chỉ mỉm cười hiền lành mà không trả lời trực tiếp câu hỏi. Gặng hỏi thêm lần nữa, một người bạn đứng cạnh em mới nói lại với em bằng một giọng to và chậm hơn bình thường: “Thày hỏi bạn học khóa nào?”. Em đáp lại bằng giọng nhẹ như không thể nhẹ hơn: “Thưa thày, Khóa 18 ạ!”. Trong tôi chợt có một linh cảm mơ hồ về điều gì đó bất thường ở em.
Tôi đem chuyện này trao đổi với thày Ngô Lê Minh, Giảng viên chủ nhiệm và cũng là người theo sát em trong các đồ án thiết kế; và rồi cảm giác đã đi từ bất ngờ đến thán phục về sự vươn lên mãnh liệt của em.
Giang Tiến Đạt, tên của em, là sinh viên năm cuối Ngành kiến trúc, Khoa kỹ thuật công trình. Em bị câm và điếc bẩm sinh. Việc nghe và nói trở thành điều khó khăn nhất từ những năm tháng mới trưởng thành. Đạt “nghe” người khác nói bằng cách nhìn khẩu hình để đoán nội dung; và “nói” bằng cách viết ra giấy hoặc gõ bàn phím. Bốn năm học đại học, lời giảng bài của thày-cô được em ghi nhận bằng cách ấy. Ý tưởng và thuyết minh đồ án của em cũng được trình bày bằng cách ấy!
Em viết cho tôi trên giấy: “Thày-cô giúp em nhiều, bằng cách nói chậm từng tiếng một để em tiếp thu được nhiều chừng nào tốt chừng ấy. Còn lại em tự tìm tòi và đọc sách thêm. Thư viện là nơi em có mặt thường xuyên nhất sau những giờ lên lớp. Bạn bè cũng giúp em nhiều; bằng cách giảng lại bài cho em và nhất là giúp em trong việc thuyết trình, bảo vệ đồ án, vì em “nói” không ai hiểu được”.
Thày Minh cho biết thêm: “Em rất ngại nói về hoàn cảnh của mình; thường chỉ tâm sự riêng với thày qua tin nhắn”. Không chỉ riêng mình thiếu may mắn, Đạt còn có người em sinh đôi cũng bị tật từ nhỏ, không đi học được. Cho nên em Đạt có suy nghĩ rất chân thực, là cố gắng học giỏi để đi làm kiếm tiền nuôi em trai bị tật nguyền; trong khi, chính Đạt cũng đang là người như thế.
Hỏi em sao không chọn ngành học nào nhẹ nhàng và phù hợp với sức khỏe của mình hơn? em cho biết em thích vẽ từ nhỏ. Các thày-cô cấp 3 định hướng em vào Ngành kiến trúc Đại học Tôn Đức Thắng, mặc dù có “cảnh báo” trước là sẽ rất khó khăn!. Tuy nhiên, em đã quyết tâm và quyết cố gắng làm cho bằng được. Trong 4 năm qua, nhiều lúc Đạt đã nản lòng, muốn buông xuôi; vì bài vở chồng chất mà việc tiếp thu bài thì có hạn. Đôi lúc Đạt lại thấy mình làm phiền bạn bè và thày cô nhiều quá!. Nhưng rồi vì đam mê, vì trách nhiệm với người thân, với cuộc sống, em lại đứng lên và tiếp tục công việc của mình.
Trong buổi chiều loang nắng của những ngày Thu, tôi nhìn em bước đi, mạnh mẽ và tự tin như bên mình không hề có những khó khăn đè nặng. Người thường chỉ một phần bất hạnh của em thì có người đã buông tay hoặc cáu kỉnh, tự kỷ. Đạt đã không như vậy! Quay lại nhìn những bức kí họa đầy sức sống của em, tôi hiểu rằng, có những con người mà trong mọi hoàn cảnh, sự vươn lên luôn chiến thắng những khoảnh khắc nản lòng; và cũng chỉ có quyết tâm vươn lên mới là nguồn sức mạnh khiến họ biến những điều thực sự bất hạnh trở thành điều bình thường; sống có đam mê, có mục tiêu để tự đem đến thành công và hạnh phúc cho chính mình. Phải chăng “Bất hạnh không tồn tại khi chúng ta không nhìn, không nghĩ, không nhớ và không thấy có nó ở chung quanh”.