Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Tọa đàm liên thông từ trình độ trung cấp, cao đẳng lên trình độ đại học

Ngày 18/12/2023, tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã diễn ra buổi “Tọa đàm chuyên gia trong nước và quốc tế về liên thông từ trình độ trung cấp, cao đẳng lên trình độ đại học: kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam”.

Tọa đàm do Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức nhằm lấy ý kiến xây dựng dự thảo Nghị định liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân để trình Chính phủ xem xét vào năm 2024, thay thế cho Quyết định số 18/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về liên thông giữa trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng với trình độ đại học.

Tham dự và chủ trì Tọa đàm, về phía Bộ Giáo dục và đào tạo, có PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học; TS. Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, cùng các chuyên viên của Vụ Giáo dục đại học. Về phía Trường Đại học Tôn Đức Thắng, đơn vị “chủ nhà”, có sự hiện diện của TS. Trần Trọng Đạo, Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Võ Hoàng Duy, Phó Hiệu trưởng; TS. Đồng Sĩ Thiên Châu, Phó Hiệu trưởng TDTU, cùng lãnh đạo các Phòng, Ban, Khoa, Viện, Trung tâm của Trường cùng tham dự.

Đặc biệt, về phía khách mời, có sự tham dự của hơn 200 đại biểu, là các chuyên gia, nhà quản lý tới từ hơn 130 trường đại học, cao đẳng được Bộ Giáo dục và Đào tạo mời dự Tọa đàm này.

Phát biểu khai mạc tại buổi Tọa đàm, bà Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã cảm ơn quý vị đại biểu, các thầy cô giáo của các trường đã có mặt tham dự buổi tọa đàm để cùng nhau thảo luận và đưa ra các giải pháp cho dự thảo mới của Nghị định liên thông giữa các cấp học. Bên cạnh đó bà Nguyễn Thu Thủy cũng gửi lời cảm ơn Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã tham gia tổ chức Tọa đàm, bố trí một không gian rất ấm cúng và sự chuẩn bị, đón tiếp trang trọng đến mọi người ngày hôm nay để buổi Tọa đàm có thể diễn ra một cách thành công tốt đẹp

Trình bày tại Tọa đàm, đại diện Vụ Giáo dục đại học đã báo cáo tổng quan thực trạng đào tạo liên thông theo Quyết định số 18/2017/QĐ-TTg, cũng như các khó khăn vướng mắc của cơ sở đào tạo trong quá trình triển khai đào tạo liên thông.

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, tổng số cơ sở giáo dục đại học (ĐH) của Việt Nam hiện nay là 234 trường (không tính các trường thuộc khối quốc phòng, an ninh). Trong đó, trường có đào tạo liên thông là 134, chiếm 49% số cơ sở đào tạo. Điều này cho thấy nhu cầu dạy và học liên thông tương đối lớn.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đào tạo liên thông, còn tồn tại một số vướng mắc, trong đó nổi bật là chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo liên thông bị hạn chế bởi quy định tại Khoản 1, điều 5 Quyết định 18, cụ thể: “Chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo liên thông thuộc tổng chỉ tiêu của toàn trường và không vượt quá 20% chỉ tiêu tuyển sinh chính quy tương ứng theo ngành đào tạo”.

Tọa đàm cũng đã giới thiệu kinh nghiệm đào tạo liên thông ở một số quốc gia trên thế giới như tại Úc, Thái Lan, Ấn Độ, Hàn Quốc

Tại Tọa đàm, đã có khá nhiều ý kiến tham gia từ các cơ sở đào tạo đặc biệt là một số cơ sở đào tạo đến từ khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên..., nhằm góp ý và đề xuất một số kiến nghị để có thể triển khai đào tạo liên thông trong thời gian mang tính khả thi cao hơn, đáp ứng tốt nhất xu hướng và nhu cầu học tập suốt đời của người học.

tdtu
Bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học phát biểu khai mạc tại buổi Tọa đàm
tdtu
TS. Trần Trọng Đạo - Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng phát biểu chào mừng Tọa đàm
tdtu
Bà Nguyễn Thảo Hương - Chuyên viên Vụ Giáo dục Đại học chia sẻ thông tin tại Tọa đàm
tdtu
Quý thầy cô và các chuyên gia, đại biểu tham dự buổi Tọa đàm