Đại học Tôn Đức Thắng - Mô hình dạy làm giàu từ thể thao

Nếu như trước đây nhiều người theo đuổi sự nghiệp thể thao thường phải đau đáu toan tính chuyện sinh kế khi giải nghệ thì giờ đây, chỉ cần chơi thể thao cho giỏi và học thêm cách kinh doanh từ chính môn thể thao mình yêu thích là có thể an tâm về tương lai của mình. Một mô hình giáo dục tiêu biểu trong lĩnh vực này tại Việt Nam là trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Những năm gần đây, khi Việt Nam tập trung phát triển mảng thể thao - giải trí rộng khắp trên cả nước để phục vụ người dân cũng như đáp ứng được xu thế phát triển của thể thao giải trí của thế giới, nhu cầu cấp thiết đặt ra là phải có nguồn nhân lực đủ tầm được đào tạo bài bản để có thể tổ chức tốt các sự kiện thể thao chất lượng. 

Theo nghiên cứu thống kê của Plunkett năm 2019, ngành công nghiệp thể thao đang phát triển nhanh chóng, đóng góp hơn 1,5 nghìn tỉ USD cho nền kinh tế thế giới. So với nhiều ngành công nghiệp khác tại Hoa Kỳ, thể thao được đánh giá trội hơn lĩnh vực xe cơ giới, xăng dầu, vận tải hàng không hay dịch vụ giáo dục khi phần ngân sách đóng góp lên đến 519,9 tỉ USD. Không chỉ mở rộng phạm vi của các công việc truyền thống, ngành thể thao còn tạo ra nhiều cơ hội việc làm. Đó chính là lý do để ngành Quản lý Thể thao ở Mỹ đã phát triển mạnh từ thập niên 60 của thế kỷ trước và rất được chú trọng thời gian gần đây tại nhiều quốc gia khắp năm châu, trong đó có Việt Nam.

sport
Sinh viên khoa Khoa học Thể thao của Đại học Tôn Đức Thắng thực tập tại trường Đại học Burapha (Thái Lan)

Theo đà tăng trưởng của kinh tế thị trường, nhu cầu tham gia các hoạt động thể thao của người dân ngày càng lớn và nhiều nhà chuyên môn mạnh dạn dự báo nền công nghiệp thể thao tại Việt Nam hứa hẹn sẽ là một ngành “hái ra tiền” không kém gì ngành Du lịch.

Trong khoảng hơn 5 năm trở lại đây, khi nhu cầu xã hội về thưởng lãm thể thao được dần nâng lên theo chất lượng của cuộc sống, cộng với định hướng của khu vực và châu lục hướng đến các tiêu chí tranh đua Olympic, thể thao mang phong cách giải trí thực sự trở thành điểm nhấn quan trọng đối với mỗi đại hội thể thao, từ cấp độ khu vực như SEA Games cho đến sân chơi châu lục và thế giới như Asiad và Olympic.

Khoa Khoa học Thể thao của trường Đại học Tôn Đức Thắng là nơi đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam cho đến nay tổ chức đào tạo Cử nhân và Thạc sĩ chuyên ngành Quản lý Thể thao theo hướng kinh doanh và tổ chức sự kiện. Thành quả sau 8 năm xây dựng và phát triển của khoa chính là việc được nhiều doanh nghiệp đánh giá là nơi đào tạo nguồn nhân lực bài bản và chất lượng về lĩnh vực này ở nước ta.

Các sinh viên theo học chương trình hệ Cử nhân, Thạc sĩ Kinh doanh Thể thao và tổ chức sự kiện được đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế, tương tự chương trình của Đại học Michigan (Mỹ, thuộc tốp 17 thế giới) và được thẩm định bởi Đại học Thể thao công lập Đài Bắc (Trung Hoa), Đại học Burapha và Đại học Chulalongkorn - Thái Lan.

Đội ngũ giảng viên đạt chuẩn quốc tế của khoa Khoa học Thể thao tốt nghiệp 100% đúng chuyên ngành tại nước ngoài, cùng với đội ngũ giáo sư, chuyên gia, cố vấn cộng tác từ nhiều quốc gia như Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Nga... đã mang đến những giáo trình đa dạng và chất lượng, mô tả đầy đủ về bức tranh toàn cảnh thể thao thế giới cũng như cách mà các nhà tổ chức thể thao chuyên nghiệp trên thế giới đã tổ chức thành công các sự kiện tầm cỡ như Olympic, World Cup, Euro...

Với phương châm “cầu hiền” cũng như tạo điều kiện tốt nhất cho những gương mặt tài năng đã đưa thể thao Việt Nam bay cao, vươn xa, thăng hoa trên trường quốc tế, trường Đại học Tôn Đức Thắng đã trao nhiều học bổng tài năng, cụ thể là 100% học bổng toàn phần dành cho sinh viên đạt thành tích ở các giải vô địch từ cấp độ thế giới, châu Á, Đông Nam Á cho đến các kỳ SEA Games, Asiad... Bên cạnh đó, sinh viên của khoa cũng được nhận nhiều học bổng học tập tại hơn 20 trường đại học quốc tế tại Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Đài Bắc (Trung Hoa), Cộng hòa Czech...

sport

Học phải đi đôi với hành, nhất là trong lĩnh vực tổ chức các sự kiện mang tính chất thời sự cũng như tốc độ vận hành chóng mặt như lĩnh vực thể thao, sinh viên của khoa có 50% các môn học gắn với thực hành, học tại doanh nghiệp, được doanh nghiệp đào tạo và giảng dạy. Tất cả đã tạo nên sự khác biệt, giúp sinh viên bứt phá trong tương lai khi bắt tay trực tiếp vào lĩnh vực tổ chức sự kiện. Việc 30% các môn học chuyên ngành được giảng dạy bằng tiếng Anh cũng giúp sinh viên có thêm cơ hội trau dồi ngoại ngữ, đủ năng lực tham gia tổ chức tốt các sự kiện thể thao quốc tế tại nước nhà sau này.

Nỗi lo sau khi rời ghế giảng đường của các sinh viên năm cuối đã có đáp án hiệu quả bằng mối quan hệ rất tốt của khoa Khoa học Thể thao cũng như của trường Đại học Tôn Đức Thắng với các đối tác. 4 học phần thực tập - tập sự tại doanh nghiệp và ở nước ngoài giúp sinh viên có thể đi làm ngay sau tốt nghiệp. Nhà trường đã có sự hợp tác với gần 100 doanh nghiệp thể thao để đảm bảo 100% sinh viên ra trường có việc làm đúng chuyên ngành.

Bên cạnh giảng đường, cơ sở vật chất của nhà trường cũng rất hiện đại. Trường Đại học Tôn Đức Thắng có các công trình phục vụ riêng cho sinh viên khoa Khoa học Thể thao như: Nhà thi đấu đa năng 9.000m2, sân vận động có sức chứa 7.500 chỗ kèm chất lượng mặt sân đạt chuẩn 2 sao FIFA, hệ thống thể thao ngoài trời (hồ bơi, sân tennis, sân bóng rổ, sân bóng chuyền), hệ thống máy tập thể chất ngoài trời; đường chạy bộ; phòng tập yoga, gym, fitness... với các trang thiết bị tiên tiến, hiện đại.

Trong xu thế hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa như hiện nay, việc được học tập kinh nghiệm lẫn nhau giữa các sinh viên Việt Nam và quốc tế là điều kiện tiên quyết dẫn đến sự thành công trong tương lai. Để đáp ứng nhu cầu cấp thiết đó, khoa Khoa học Thể thao thường xuyên tổ chức các chương trình giao lưu sinh viên quốc tế như các giải đấu thể thao, giao lưu văn hóa, học tập ngắn hạn, thực tập nghề nghiệp - tập sự tốt nghiệp... với các trường trên thế giới nhằm tạo môi trường học tập và phát triển tốt nhất cho sinh viên.

Có lẽ giờ đây, quan niệm “thể thao là nghề vắt chanh bỏ vỏ” đã không còn đúng với thực tế ở Việt Nam khi các VĐV chuyên nghiệp, các sinh viên theo học ngành thể thao thực sự không thiếu công việc đúng chuyên ngành sau khi giã từ sự nghiệp thể thao hoặc sau tốt nghiệp. Trong xu thế hội nhập theo chuẩn quốc tế cũng như nhu cầu thưởng lãm cuộc sống của người dân được nâng cao đáng kể, trình độ của đội ngũ làm công tác thể thao, nhất là ở mảng quản lý và tổ chức sự kiện thể thao cũng phải song hành tiến lên cùng xu thế chung của xã hội. Đó cũng chính là yếu tố thu hút sinh viên của khoa Khoa học Thể thao - trường Đại học Tôn Đức Thắng, đặc biệt chuyên ngành Kinh doanh tổ chức sự kiện thể thao, với vai trò tiên phong trong việc đào tạo đội ngũ những nhà quản lý, những nhà tổ chức sự kiện thể thao chuyên nghiệp. 

Năm 2019, khoa Khoa học Thể thao nhận số lượng đăng ký tuyển sinh 1.467 học sinh và tuyển chọn 210 sinh viên (điểm thi THPT quốc gia đạt từ 26,5 điểm, điểm Ngoại ngữ hoặc Năng khiếu thể thao nhân đôi). 100% sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp trong đó, 30-40% sinh viên đã có việc làm khi học năm thứ 4). Cựu sinh viên Lê Anh Vinh hiện là trợ lý Giám đốc Học viện Bóng đá Juventus hay nhiều sinh viên học tiếp bậc Cao học ở trường hoặc nước ngoài, nhiều sinh viên tốt nghiệp tự mở cửa hàng kinh doanh thể thao, mở chuỗi sân bóng đá, sân cầu lông, quản lý phòng gym rất thành công. Những sinh viên tiêu biểu của trường như Châu Tuyết Vân, Lê Hiếu Nghĩa, Ngô Thị Thuỳ Dung, Nguyễn Lệ Kim, Nguyễn Mộng Quỳnh thuộc đội tuyển quyền Taekwondo Việt Nam - 3 lần vô địch SEA Games, 8 lần vô địch thế giới.

Đinh Long

Nguồn: Tạp chí thể thao