Đại học Tôn Đức Thắng chế tạo 2 Robot khử khuẩn hỗ trợ ngành y tế

Nhóm nghiên cứu của Trường đại học Tôn Đức Thắng TP.HCM đã cho ra mắt 2 robot phun khử khuẩn và chiếu tia UV. Sáng tạo này được đánh giá sẽ góp phần hỗ trợ nhiều mặt cho các cơ sở y tế nếu nhân rộng trong thời gian tới, đặc biệt là trong thời gian dịch bệnh covid-19 đang có nhiều chuyển biến phức tạp hơn. 

Đây là 2 con Robot khử khuẩn do nhóm Robotics của Trung tâm công nghệ thông tin ứng dụng và Khoa điện – điện tử Trường Đại học Tôn Đức Thắng TP.HCM vừa nghiên cứu và chế tạo thành công. Robot khử khuẩn CD 1.0, có thể khử khuẩn trong môi trường chịu được nước, và bên đây là Robot khử khuẩn DR 1.0 có thể khử khuẩn trong phòng làm việc có nhiều thiết bị máy móc. Điểm nổi bậc của Robot khử khuẩn DR 1.0 là được kết hợp công nghệ diệt khuẩn chiếu tia UV, có khả năng diệt được nhiều loại vi khuẩn và virus, khi vận hành Robot có khả năng ghi nhớ toàn bộ không gian, tự động lặp lại hành trình khử khuẩn khoảng 15 phút 1 phòng và không làm ảnh hưởng đến các thiết bị, máy móc và hồ sơ. 

Tiến sỹ Hán Thành Trung, Giảng viên Khoa Điện – Điện tử, Đại học Tôn Đức Thắng, TP.HCM: “Trong môi trường truyền nhiễm, con người không thể vào được thì chúng ta gửi robot vào. Và trong những lĩnh vực khác, với tính năng tự động có thể ứng dụng trong các lĩnh vực như: vận chuyển hàng hoá trong kho, đưa đồ ăn cho bệnh nhân…” 

Robot khử khuẩn CD 1.0 có tải trọng 170 kg, cấu tạo 2 động cơ vận động khác nhau, có khả năng di chuyển được trong những khu vực trơn trượt, gồ ghề, phạm vi tối đa 2 km. Trong quá trình di chuyển, Robot tiến hành phun thuốc khử khuẩn 2 bên hông, phía trước, phía trên và cả dưới mặt sàn. 

Tiến sỹ Vũ Trí Viễn, Giảng viên Khoa Điện – Điện tử, Đại học Tôn Đức Thắng, TP.HCM: “Cái ưu điểm của con Robot này là nó có 2 cái vòi phun ở 2 bên hông và 1 cái cánh tay phun ở phía trước, cho phép lên xuống, trái phải. Trong 1 hành trình của Robot này đi qua, nó có thể phun được 1 hành lan hoặc những phòng bệnh, nó chỉ cần đi 1 lần là có thể phun xong. Cái ưu điểm thứ 2 là chúng tôi trang bị trên mỗi con Robot là một cái điện thoại Smart-phone, chúng tôi dùng video call ra lệnh cho Robot di chuyển ví dụ như: di chuyển theo đường tròn, hay là bám tường với khoảng cách nào đó…” 

Tiến sỹ Đỗ Hoàng Thịnh, Viện khoa học tính toán, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, TP.HCM: “Chúng tôi dùng Nano bạc với hàm lượng từ 5 đến 10 ppm, hàm lượng đó phù hợp trong việc khử khuẩn trong các phòng lab, phòng thí nghiệm, trong bệnh viện… Và đồng thời nó tương đối an toàn với sức khoẻ con người.” 

Tiến sỹ Dương Thị Thuỳ Vân, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin ứng dụng, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, TP.HCM: “ Nếu như mà dịch khống chế được thì sẽ phát triển Robot thành những Robot có tính năng như: vận chuyển thiết bị y tế, vận chuyển thuốc men, hoặc là cứu hộ, cứu nạn, quan trắc môi trường, có thể thay dung dịch khử khuẩn bằng CO2 để cứu hoả trong những không gian chật hẹp.” 

Ngoài việc chế tạo Robot khử khuẩn, nhóm nghiên cứu Robotics Trường Đại học Tôn Đức Thắng còn sáng tạo ra nhiều sản phẩm hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 như: máy khử khuẩn thiết bị văn phòng, băng truyền khử khuẩn vật dụng cá nhân, và máy vệ sinh tay… đồng thời tiếp tục nghiên cứu và cải tiến những tính năng ưu việt trên Robot CD 1.0. 

Sinh viên Nguyễn Thành Đạt, sinh viên Khoa Điện – Điện tử, Đại học Tôn Đức Thắng, TP.HCM: “Niềm vui của tụi em hiện tại rất là to lớn, nhưng mà không thể nào lơ là; tại vì mình còn phải cố gắng để phát triển nhiều hơn nữa để phục vụ cho các bác sĩ, nhân viên y tế đang đứng tuyến đầu trong cơn đại dịch toàn cầu này.” 

Giải pháp đưa Robot diệt khuẩn thay thế con người sẽ giúp giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh cho nhân viên y tế. Trong thời gian tới, Nhóm nghiên cứu Robotics của Trường Đại học Tôn Đức Thắng, TP.HCM sẽ tiếp tục nghiên cứu, phát triển trên hai dòng sản phẩm Robot này không chỉ ứng dụng vào lĩnh vực y tế mà còn có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau. 

Xem Video:

Video: "Đại học Tôn Đức Thắng chế tạo 2 Robot khử khuẩn hỗ trợ ngành y tế" trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam.