Chức năng tiêu thoát nước mưa và chống ngập úng của các kênh rạch tự nhiên trong khuôn viên Đại học Tôn Đức Thắng


Ngập úng và tiêu thoát nước mưa đã và đang trở thành bài toán khó không chỉ về mặt kỹ thuật do tính phức tạp và thiếu đồng bộ của những hạ tầng liên quan; cũng như về vốn đầu tư xây dựng, mà cả về quản lý vận hành các công trình trong điều kiện hiện nay ở hầu hết các đô thị tại Việt Nam. Hoạt động mở rộng đô thị đã dẫn đến một số kênh rạch trước đây bị san lấp hằng loạt; và việc bê tông hóa mặt đất tự nhiên trong quá trình chỉnh trang đô thị cũng đã làm thay đổi hệ số mặt phủ đất, làm giảm lượng nước thấm và diện tích chứa nước tự nhiên. Điều này dẫn đến hệ quả là tăng nhanh lưu lượng tiêu thoát và hệ số dòng chảy tràn trực tiếp, làm cho tình trạng ngập lụt do mưa ngày càng trở lên phức tạp hơn.

Một trong những giải pháp tích cực để giảm thiểu mức độ ngập do mưa sinh ra là xây dựng các hồ hoặc kênh điều hòa để tích trữ nước mưa và tiêu thoát nước; nhất là ở những vùng có diện tích lớn, cao độ thấp. Hồ điều hòa trong các đô thị thường tận dụng hồ tự nhiên để giảm kinh phí xây dựng; và trong một số trường hợp đặc biệt, hồ nhân tạo cũng được xây dựng. Về cơ bản, hồ điều hòa có nhiệm vụ điều tiết lưu lượng dòng chảy nước mưa một cách tự nhiên nhằm chống úng, ngập và giảm chi phí quản lý hệ thống thoát nước. Ngoài ra, hồ còn được dùng cho mục đích tưới tiêu, tạo cảnh quan, cải tạo vi khí hậu và bảo vệ môi trường. Giải pháp sử dụng hồ/kênh điều hòa tiêu thoát nước đô thị đã được triển khai áp dụng thực tiễn tại nhiều thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Hồ Chí Minh, với tỷ lệ diện tích trên tổng diện tích đô thị khác nhau, phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý của đô thị. Cụ thể, diện tích hồ điều hòa tại Hà Nội khoảng 952,9 ha, chiếm tỷ lệ 5,56%[1], tại Hải Phòng khoảng 66,5 ha, chiếm tỷ lệ 0,27%[1], và tại TP.HCM theo quy hoạch sẽ có 103 hồ với tổng diện tích 875 ha [2]. 

Trụ sở chính của Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) được xây dựng trên khu đất có tổng diện tích gần 30 hecta, liền kề Khu đô thị hiện đại Phú Mỹ Hưng, Quận 7, Tp.HCM. Trong quy hoạch tổng thể campus này, các phân khu được bao bọc và kết nối với nhau thông qua hệ thống 3 dòng kênh, rạch tự nhiên, gồm Khu trước Rạch Ông Bảy là Khu 1 với các khối nhà A, B, C, D, E, F, G; khu giữa Rạch Ông Bảy và Rạch Tư Dinh là Khu 2 với Nhà thi đấu, sân bóng, ký túc xá, hồ bơi, và khu giữa Rạch Tư Dinh với Sông Ông Lớn là Khu 3 với hiện hữu là Trường quốc tế Việt Nam – Phần Lan). Mạng lưới các kênh, rạch tự nhiên này trong khuôn viên không chỉ làm tăng thêm vẻ đẹp cảnh quan; mở rộng không gian xanh; mà còn đóng vai trò như các “hồ điều tiết”, thực hiện chức năng tiêu thoát nước và chống ngập úng. Chính nhờ sự kết nối này mà việc quản lý hệ thống thoát nước trong khuôn viên TDTU, đặc biệt là vào mùa mưa luôn bảo đảm hiệu quả cao, và hiện tượng ngập úng cục bộ hoàn toàn không diễn ra. Bên cạnh đó, sự tận dụng các kênh rạch tự nhiên này với vai trò là một thành phần trong hệ thống thoát nước nội vi còn giúp tiết giảm chi phí quản lý hệ thống thoát nước, đồng thời hạn chế được các tác động môi trường do việc tiêu thoát lượng nước tràn bề mặt.  Để bảo đảm tính an toàn và tránh hiện tượng xói lở, Nhà trường đã thực hiện việc xây dựng kết cấu kè đá, kè bê tông và hành lang bảo vệ dọc hai bờ kênh. Nước kênh được giám sát chất lượng và nâng cao khả năng tự làm sạch thông qua việc lắp đặt hệ thống các đài phun nước bề mặt nhằm tăng cường hàm lượng oxy hòa tan trong nước.  

Có thể nhận thấy, hoạt động qui hoạch Campus Tân Phong, TDTU với định hướng duy trì, cải tạo mà không phá vỡ chế độ dòng chảy hay san lấp hệ thống các kênh rạch tự nhiên hiện hữu, là một trong những quy hoạch công trình đúng đắn, hiệu quả, bảo đảm tính kết nối bền vững giữa việc phát triển, mở rộng quy mô xây dựng và bảo tồn thiên nhiên. Chính vì vậy, TDTU xứng đáng là một đại học sạch và xanh số 1 giữa Thành phố Hồ Chí Minh và là TOP 200  đại học Phát triển bền vững nhất thế giới. 
 

 

12.png
Rạch Ông Bảy nằm giữa Khu 1 và Khu 2 của TDTU


[1] Lưu Văn Quân, Nguyễn Tuấn Anh, Thực trạng sử dụng hồ điều hòa trong hệ thống thoát nước mưa ở một số đô thị thuộc đồng bằng bắc bộ Việt Nam, Tạp chí Khoa học kỹ thuật thủy lợi và Môi trường - Số 41 [6/2013].

[2] Quyết định số 752/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP.HCM đến năm 2020.